Xúc phạm trọng tài

Hành vi phun nước bọt vào mặt trọng tài Hoàng Ngọc Hà vừa qua của một CĐV Hải Phòng cuối cùng đã nhận một sự trừng phạt thích đáng cho cả cá nhân lẫn CLB Hải Phòng. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới mẻ, và công việc trọng tài đang trở thành “nghề nguy hiểm”.
CĐV Hải Phòng phun nước bọt vào mặt trọng tài Hoàng Ngọc Hà
CĐV Hải Phòng phun nước bọt vào mặt trọng tài Hoàng Ngọc Hà

Theo xác định của ban trọng tài, ông Hoàng Ngọc Hà không có lỗi gì khi điều khiển trận đấu giữa Hải Phòng và T.Bình Định. Đây lại là trận đấu mà đội chủ sân Lạch Tray chiến thắng. Vậy mà sự việc lại tồi tệ như thế, cũng có nghĩa là nguồn cơn không hẳn vì cách cầm còi mà có khi đơn giản: người ta không coi trọng tài ra gì, có chút hơi men vào là sẵn sàng ra tay.

Bóng đá Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây không còn quá nhiều trường hợp trọng tài sai nghiêm trọng, vốn dễ bị xem là “lỗi tư tưởng”, tức là đưa ra các quyết định “bẻ cong” tình huống trận đấu một cách cố ý. Sự tiến bộ của nền bóng đá, các trận đấu bị “soi” ở nhiều góc độ với sự tham gia của mạng xã hội, cơ chế đãi ngộ tốt đã góp phần cải thiện năng lực trọng tài. Phần lớn sai sót thuộc về lỗi nhận định hoặc vì lý do khách quan là trọng tài còn non kinh nghiệm, sai sót nghiệp vụ. Những lỗi đó, thường được giải thích vì “trọng tài cũng là con người”.

Nhưng cho dù trọng tài có lỗi gì, thì sự trừng phạt lớn nhất không thể đến từ khán giả hay các đội bóng. Mỗi trận đấu đều có bố trí riêng một giám sát trọng tài cùng băng ghi hình toàn bộ diễn biến, chưa kể những gì khán giả thấy qua truyền hình trực tiếp cũng như phản ảnh từ báo chí. Nghĩa là nếu có sai, không có chuyện trọng tài thoát tội. 

Đây cũng là lý do mà FIFA có những điều luật riêng để bảo vệ trọng tài vì nói cho cùng, sẽ chẳng thể có trận bóng đá nếu thiếu… trọng tài. Tôn trọng vị “Vua áo đen” là điều kiện tối thiểu để trận đấu có thể được tiến hành. Ở những làng cầu tiên tiến, lời nói hay một pha phun nước bọt có ý đồ cũng sẽ bị trọng tài rút thẻ ngay trên sân.

Vì vậy, cần nhìn nhận việc xúc phạm trọng tài trong bóng đá Việt Nam ở góc độ khác: thói quen rất xấu đang gây hại nghiêm trọng. Có một thực tế là việc tấn công trọng tài đang là trào lưu mỗi khi các đội tuyển Việt Nam thi đấu quốc tế và chịu sự thiệt thòi nào đó. Chỉ cần trọng tài nào thổi bất lợi, ngay lập tức cộng đồng mạng tìm ra các trang cá nhân và tấn công, thậm chí hack tài khoản của người đó. Một thực tế khác, từ cầu thủ U19 cho đến U23 Việt Nam trong thời gian thi đấu quốc tế, khi bị trọng tài thổi phạt thường văng tục, tranh cãi dữ dội. Đây phải chăng là hệ lụy đến từ quá trình thiếu tôn trọng trọng tài ở sân cỏ nội địa. Thói quen chửi trọng tài từ trên khán đài, bất kể thổi sai hay đúng rồi đến nóng giận, sẵn sàng tấn công trọng tài, nếu không có biện pháp ngăn ngừa, thói quen ấy lây lan sang các trận đấu quốc tế, cũng là chuyện dễ hiểu.

Như đã nói, trọng tài sai thì phải nhận các án phạt từ đơn vị điều hành, bị tước quyền làm việc, ảnh hưởng đến thu nhập. Việc xúc phạm hay tấn công trọng tài không giúp được gì cho bóng đá Việt Nam bởi nếu họ sai thì kết quả cũng không thể thay đổi. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có những giải pháp quyết liệt để làm giảm áp lực đối với trọng tài. Chúng ta không có băng ghi hình dành riêng cho các hành vi trên khán đài, chưa có án phạt thích đáng, nặng tay với các cầu thủ hay HLV có lời lẽ xúc phạm trọng tài, nhất là công nghệ VAR vẫn chưa được áp dụng nhằm giảm bớt tình huống gây tranh cãi, nguồn cơn của các phản ứng từ khán đài, sân cỏ.

Tin cùng chuyên mục