Xã hội hóa Asiad

Rốt cuộc, tổ chạy tiếp sức 4x100m nữ của TPHCM cùng một số VĐV ở các môn taekwondo, đấu kiếm, boxing, kurash, bóng rổ 3x3, rowing, soft tennis, bóng chuyền bãi biển cũng được Tổng cục TDTT duyệt kế hoạch tham dự Asiad 18 bằng nguồn kinh phí tự túc của ngành TDTT TPHCM. 

Trước đó, giới quản lý thể thao TPHCM đã khá hồi hộp chờ được duyệt kế hoạch, sau khi đã cam kết đưa VĐV của mình đi là kèm theo tiềm năng thành tích ở đấu trường châu lục.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc TPHCM (còn có thêm các địa phương khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, Cần Thơ, Bình Thuận, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ kinh phí với nhà nước (ở lĩnh vực thể thao là Tổng cục TDTT) theo kiểu xã hội hóa khi tham dự các giải đấu quốc tế lớn là điều cần thiết và đáng hoan nghênh.

Thứ nhất, điều này giúp san sẻ gánh nặng tài chính với Tổng cục TDTT cho các sự kiện lớn như SEA Games, Asiad… Thứ nhì, TPHCM cùng các địa phương khác có thể tạo điều kiện đưa những VĐV thuộc diện tài năng và triển vọng đi thi đấu cọ xát, rèn luyện bản lĩnh và nâng cao hơn nữa chuyên môn nghề nghiệp. Các đấu trường khu vực và châu lục hay kể cả thế giới đều là môi trường tôi luyện không thể tốt hơn đối với VĐV Việt Nam.

Thể thao Việt Nam cần nhân rộng mô hình này, không chỉ trong khuôn khổ những giải đấu quốc tế, mà ở cả vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình. TPHCM và Hà Nội là 2 địa phương có truyền thống đi đầu về xã hội hóa thể thao. Nhiều thập niên qua, không ít VĐV của 2 trung tâm này được đưa đi tu nghiệp tại các cường quốc thể thao ở châu Á và thế giới, tạo ra nguồn nhân lực cực lớn cho thể thao Việt Nam liên tiếp ghi dấu ấn lịch sử ở SEA Games, Asiad hay Olympic. Họ cũng chính là điển hình tiên tiến, khuyến khích các địa phương khác mạnh dạn đầu tư kinh phí cho VĐV ra nước ngoài thao luyện, xóa dần khoảng cách về trình độ chuyên môn so với 2 cánh chim đầu đàn TPHCM và Hà Nội.

Xã hội hóa Asiad, theo phương thức tận dụng nguồn ngân sách của địa phương hoặc từ các doanh nghiệp, tập đoàn hứng thú với thể thao, rõ ràng sẽ mở ra những cơ hội cho VĐV thể hiện tài năng, đồng thời quảng bá chính đơn vị mình. Chưa kể, điều đó cũng góp phần thay đổi tư duy đầu tư cho lĩnh vực vốn không được chú ý quá nhiều trước đây.

Ví dụ rất xác thực là chuyện đội tuyển bắn súng Việt Nam nhận được cùng lúc 3 nhà tài trợ lớn đồng hành ở Asiad 18, kèm theo treo mức thưởng hơn 2 tỷ đồng cho mỗi HCV mà các xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Hà Minh Thành… có thể giành được ở Indonesia 2018.

Tin cùng chuyên mục