World Games kết nối thể thao hiện đại

Đại hội Thể thao Thế giới (World Games) giống như một lễ hội dành cho những môn ngoài hệ thống thi đấu chính thức của Olympic, nhưng không thiếu tính hấp dẫn, sự thú vị và phẩm chất cạnh tranh. Bước sang năm thứ 11 - World Games 2022 còn mang trọng trách thúc đẩy nhiều môn thể thao hiện đại phát triển.

Đấu trường ngoài Olympic

Cùng các vận động viên (VĐV) Việt Nam đến nước Mỹ dự World Games 2022, Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao 1 Hoàng Quốc Vinh chia sẻ: “Công tác tổ chức của quốc gia bạn rất chu đáo. Đừng nghĩ là Đại hội thể thao không thuộc Ủy ban Olympic tổ chức mà thiếu quy củ. Tất cả các khâu, từ công tác tiếp đón, ăn ở đến tổ chức thi đấu thật sự chuyên nghiệp. Đội ngũ tình nguyện viên cũng nhiệt tình. Quan trọng là, các VĐV tham gia tranh tài với trình độ chuyên môn cao, đạt đẳng cấp thế giới dù các môn tranh tài không thuộc hệ thống Olympic”. 

Con số gần 3.600 VĐV của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tới thành phố Birmingham (Alabama, Mỹ) tranh tài ở 34 môn và phân môn thể thao đã thể hiện tính hấp dẫn của World Games lần này.

Lần theo lịch sử, World Games ra đời năm 1981 với tôn chỉ hành động là tổ chức các môn, phân môn thể thao không nằm trong chương trình thi đấu của Olympic, diễn ra với chu kỳ 4 năm/lần. Hiệp hội Thể thao Thế giới (IWGA) là tổ chức sáng lập ra World Games, chịu trách nhiệm thực hiện các tôn chỉ, mục tiêu về thể thao. Chính Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng công nhận về sự hoạt động của IWGA. 

Đa số chuyên gia thể thao đánh giá, World Games có những môn không thuần túy thể thao, nhưng lại phát triển hợp với xu hướng và nhu cầu giải trí của xã hội. Vì vậy, tại World Games 2022, nhiều người thấy lạ lẫm khi xuất hiện môn đua drone (VĐV sẽ là những người điều khiển các máy fly-cam (drone) bay theo một quãng đường quy định để về đích, phân thắng bại), canoe marathon, nhảy breakdancing, fistball (một dạng thi đấu giống bóng chuyền nhưng khác về cách thức và luật), parkour. 

Không chỉ vậy, những nhà tổ chức World Games 2022 phân rõ nhóm các môn tổ chức; trong đó có một nhóm quan trọng được gọi là Môn thể thao xu hướng (Trend Sports) với nhóm môn thể thao trên không, leo núi, trượt patin tốc độ, lặn, dù nước, duathlon (2 môn phối hợp), flying disc, đua drone (drone racing), cứu hộ (life saving), canoe marathon... Tất nhiên, World Games cũng có những môn giàu tính cạnh tranh không kém Olympic như karate, jujitsu, kickboxing, muay, bắn cung, billiards, duathlon, bóng ném bãi biển. 

Ông Nick Sellers, thành viên Ban tổ chức World Games 2022, cho biết: “Với sự tôn trọng về sự góp mặt của tất cả quốc gia tham dự World Games 2022, chúng tôi thấy được sự giao lưu và kết nối giữa các nền văn hóa với nhau cũng như thể thao là cầu nối thật hiệu quả trên thế giới. Chắc chắn, World Games giúp cho thành phố chủ nhà thay đổi đáng kể và trở nên tốt đẹp hơn, được nhớ đến nhiều hơn”.

World Games kết nối thể thao hiện đại ảnh 1 Võ sĩ Dương Thúy Vi giành HCV cho thể thao Việt Nam tại World Games 2022

Dấu ấn của thể thao Việt

Dương Thúy Vi là VĐV giành HCV tại World Games 2022 khi bài biểu diễn taolu (môn wushu) của cô đạt điểm cao nhất. 9 năm trước, tuyển thủ wushu Nguyễn Thanh Tùng là người đầu tiên của đội wushu Việt Nam giành được tấm HCV khi dự World Games 2013 tổ chức ở Colombia.

“Tôi không nghĩ mình có được thành tích HCV ở lần tham dự này, nên khi giành được HCV và hát Quốc ca trong lễ trao thưởng thì cảm xúc đã thật sự dâng trào. Tôi luôn tâm niệm rằng cuộc đấu nào cũng có sự cạnh tranh quyết liệt nên ra sân là sẽ nỗ lực hết mình vì thể thao Việt Nam”, VĐV Dương Thúy Vi chia sẻ sau khi giành tấm HCV World Games đầu tiên trong sự nghiệp. 

Thể thao Việt Nam đã tham dự các môn muay, wushu, billiard tại World Games 2022. Để có những tấm vé chính thức, các tuyển thủ đều xếp hạng cao trên bảng xếp hạng châu Á và thế giới, như lời chia sẻ của ông Vũ Văn Trung (Phụ trách bộ môn wushu - Tổng cục TDTT): “Cả 3 tuyển thủ góp mặt ở World Games lần này là Thúy Vi, Phương Giang, Quốc Khánh đều đang xếp ở vị trí cao trên bảng tổng sắp thế giới, nên đấy là cơ sở để ban tổ chức trao các suất mời trực tiếp cho các tuyển thủ”. 

Trải nghiệm ở World Games cũng giúp các tuyển thủ trưởng thành hơn. Cựu “nữ hoàng kata” Nguyễn Hoàng Ngân là người đầu tiên của thể thao Việt Nam giành HCV tại một kỳ World Games. World Games 2009 tổ chức ở Đài Bắc - Trung Hoa, Hoàng Ngân giành HCV kata cá nhân nữ. Kỳ đại hội sau đó (năm 2013), đến lượt nam tuyển thủ Nguyễn Thanh Tùng (wushu) lập nên chiến tích HCV. Tại World Games 2017 ở Ba Lan, võ sĩ Bùi Yến Ly (muay) là tuyển thủ duy nhất giành HCV cho thể thao Việt Nam.

Xuyên suốt hành trình sự nghiệp, mỗi người trong số họ (Ngân, Tùng, Ly) đều đã và đang đạt đến thành công nhất định trong sự nghiệp thể thao của mình. Giờ đây, Nguyễn Hoàng Ngân đã là thành viên quan trọng trong Ban huấn luyện nội dung kata của đội tuyển karate Việt Nam, dẫn dắt và đào tạo nên những thế hệ mới, tiếp tục mang lại những tấm HCV, những chiến thắng ấn tượng ở đấu trường khu vực, châu Á và cả thế giới.


World Games lần đầu tổ chức vào năm 1981 tại California (Mỹ), quy tụ 58 quốc gia, vùng lãnh thổ góp mặt tranh tài 16 môn thể thao. Tại khu vực Đông Nam Á thì Philippines, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia tham dự ngay từ lần đầu tiên này. Việt Nam bắt đầu có VĐV chính thức dự World Games từ lần tổ chức thứ 8 vào năm 2009.

Tại World Games 2022, các nhà vô địch kata (biểu diễn) của môn karate tại Olympic Tokyo 2022 là Sandra Sanchez (Tây Ban Nha, nữ) và Ryo Kiyuna (Nhật Bản, nam), cùng Bart Swings (Bỉ, vô địch trượt băng tốc độ tại Olympic mùa đông 2022) là những VĐV được chú ý nhất.

Tin cùng chuyên mục