Wimbledon: Sẽ đánh tie-break ở ván 5 khi điểm số là 12-12

Điểm số “kinh hoàng” 70-68 ở ván 5 trong một trận đấu thuộc khuôn khổ Wimbledon 2010 giữa John Isner và Nicolas Mahut sẽ không thể tái hiện trong tương lai, khi BTC Wimbledon quyết định thay đổi luật giao đấu. Qua đó, khi 2 tay vợt hòa điểm nhau 12-12 trong ván đấu thứ 5 quyết định, họ sẽ bước vào loạt tie-break để phân định ngay thắng–thua.

Những trận đấu có điểm số kinh hoàng như thế này sẽ không còn xuất hiện ở Wimbledon
Những trận đấu có điểm số kinh hoàng như thế này sẽ không còn xuất hiện ở Wimbledon

“Tòa tháp của nước Mỹ” từng dính dáng vào 2 trận đấu “siêu dài” ở All England Club, những cục diện hao tổn rất nhiều thể lực và trí lực mà Isner từng thừa nhận “đó là khoảnh khắc kinh hoàng” trong đời anh. Ngay ở vòng 1 của Wimbledon 2010, anh thắng tay vợt người Pháp Mahut với điểm số 6-4, 3-6, 6-7 (9-7), 7-6 (7-3) và 70-68.

Trận đấu đó đã trải dài trong… 3 ngày trời, và có thời lượng lên đến 11 tiếng 5 phút đồng hồ. Nó đã trở thành trận đấu dài nhất trong lịch sử quần vợt thế giới, cả về thời gian lẫn số lượng các game đấu. Ngay cả ván đấu thứ 5 quyết định cũng có thời lượng dài hơn… trận đấu từng giữ kỷ lục dài nhất trong lịch sử.

Sau trận đấu này, Isner đã “khí cùng, lực kiệt”, anh đã phải chấp nhận gác vợt "đầu hàng" trước Thiemo de Bakker (Hà Lan) với điểm số 0-6, 3-6 và 2-6, chỉ sau 74 phút “cầm vợt hờ” ở trên sân. Đây cũng là trận đấu… ngắn nhất trong lịch sử Wimbledon tính đến thời điểm năm 2010. Trong suốt trận đấu này, “Hoàng tử giao bóng” đã không tung nổi một cú giao bóng ăn điểm trực tiếp nào.

Sau đó, ở Wimbledon trong mùa giải năm nay, “Tòa tháp nước Mỹ” lại góp mặt trong một trận đấu khủng khiếp khác. Anh và Kevin Anderson đã trải qua 6 giờ 36 phút “vật vã” trên sân đấu ở bán kết, sau khi Isner thất thủ trước đối thủ đến từ Nam Phi với điểm số 6-7 (6-8), 7-6 (7-5), 7-6 (11-9), 4-6 và 24-26. Đây cũng là trận đấu dài thứ 2 trong lịch sử của Wimbledon và dài thứ 3 trong lịch sử thế giới. Với chiến thắng trước Isner, Anderson đã trở thành tay vợt Nam Phi đầu tiên lọt đến chung kết Wimbledon kể từ thời của Brian Norton hồi năm 1921.

Nhưng những diễn biến này sẽ không còn có thể tái hiện, khi mà Wimbledon ra quyết định cởi bỏ tính bảo thủ cố hữu của mình và thay đổi luật giao đấu. Giám đốc điều hành Philip Brook cho biết: “Với việc đạt được quyết định này, Ủy ban AELTC đã từng tìm kiếm sự phản hồi từ cả các tay vợt đến các quan chức quần vợt, phân tích dữ liệu của các trận đấu suốt 2 thập kỷ vừa qua, cũng như xem xét các yếu tố khác bao gồm sự phức tạp của việc phân lịch thi đấu và cả những trải nghiệm của khán giả”.

“Quan điểm của chúng tôi là đã đến lúc phải giới thiệu loạt đánh tie-break đến những trận đấu không đạt được các kết quả theo tự nhiên thông thường ở thời điểm hợp lý tại ván đấu quyết định. Trong khi chúng tôi biết rằng, những ví dụ về các trận đấu có diễn biến rất dài và rất sâu ở ván đấu quyết định là khá hiếm, chúng tôi cảm thấy rằng, điểm số 12-12 chính là sự cân bằng giữa việc cho phép các tay vợt có thời gian và cơ hội để kết thúc trận đấu một cách có lợi cho bản thân, đồng thời cũng đảm bảo rằng trận đấu sẽ có được kết quả trong khung thời gian phù hợp”, ông Brook lý giải.

Như vậy, khi điểm số là 12-12 trong ván đấu thứ 5 ở All England Club, các tay vợt sẽ bước vào loạt tie-break, nơi người giành chiến thắng là người đầu tiên đạt được điểm số thứ 7, nhưng phải tạo được khoảng cách 2 điểm với người còn lại. Luật giao đấu mới này sẽ được áp dụng ở Wimbledon 2019, sẽ khai diễn từ ngày 1-7 đến ngày 14-7 ở mùa giải năm sau.

Tin cùng chuyên mục