Voi Việt Soccer School: Thêm một “Phiên bản nhí” của Cảng Sài Gòn

Bài học đầu tiên đối với những học viên khoác lên mình bộ trang phục Voi Việt Soccer School là đạo đức. Đó là nền tảng cho 6 năm xây dựng và phát triển của “lò trồng người” có đại bản doanh nằm ở quận Tân Phú này.

HLV Nguyễn Văn Tuấn và các học trò nhí. Ảnh: Anh Trần
HLV Nguyễn Văn Tuấn và các học trò nhí. Ảnh: Anh Trần

Chuyện về những cựu danh thủ Cảng Sài Gòn (Cảng SG) đi làm huấn luyện ở bóng đá cộng đồng và gặt hái thành công không hiếm. Cùng với lớp Ươm mầm tương lai của các cựu cầu thủ đội Cảng Sài Gòn trên sân Tao Đàn, Voi Viet Soccer School là một trong những niềm tự hào của các thành viên Cảng SG khi chuyển sang công tác “gõ đầu trẻ”.   

Chúng tôi đã tìm gặp được anh Nguyễn Văn Tuấn - gã đàn ông được ví như “ông bầu” của Voi Việt Soccer School. Nhưng địa điểm anh Tuấn hẹn tâm sự rất khó tìm khi nằm tận ngoài Suối Tiên (quận 9). Hỏi ra mới biết cựu tuyển thủ gốc Bến Tre này đang “chạy show” huấn luyện cho một đội bóng công ty và chỉ ít giờ trước đó, anh vừa giảng dạy bóng đá ở trường quốc tế tại Bình Thạnh.

Học viên ở Voi Việt phải có đạo đức

Phần lớn câu chuyện xung quanh giữa hai bên liên quan đến Cảng SG, đội bóng đã nâng tầm Văn Tuấn lên đỉnh cao của sự nghiệp. Nhờ vậy, Văn Tuấn liền thổ lộ câu chuyện anh theo nghiệp bóng đá cộng đồng nhờ xuất phát từ lớp Ươm mầm tài năng mà ra. Ở đó, gã đàn ông 41 tuổi này được cố HLV Phạm Huỳnh Tam Lang và các “đàn anh” Nguyễn Hồng Phẩm, Nguyễn Anh Dũng, Lưu Kim Hoàng, … truyền ngọn lửa nhiệt huyết và lòng đam mê với công việc mới: “gõ đầu trẻ”.   

Voi Việt Soccer School: Thêm một “Phiên bản nhí” của Cảng Sài Gòn ảnh 1 Tinh thần fair-play, bóng đá đẹp luôn được các thế hệ cựu cầu thủ đội Cảng SG  truyền đạt cho các học trò sau này
“Cái nôi của tôi là lớp Ươm mầm bóng đá Cảng SG ở sân Tao Đàn. Thời điểm đấy, tôi cộng tác với chú Lang và anh Phẩm. Xuất phát từ đó, tôi nảy ra ý tưởng đi cộng tác ở các trường học nhằm gieo và xây dựng mô hình bóng đá học đường trong các trường học để đào tạo cho các cháu”, anh Tuấn tâm sự.
Gần 10 năm đồng hành với Cảng SG, không khó để người đàn ông ở tuổi 41 thắm nhuần cái chất của đội bóng này. Anh tâm sự những bài học được chú Lang, anh Phẩm hay anh Chỉnh (HLV Đặng Trần Chỉnh) trực tiếp huấn luyện từ ngoài đến bên trong sân cỏ đã giúp bản thân rất nhiều. Đến khi gắn mác thầy giáo để đứng lớp, những kinh nghiệm và sự tích lũy từ các bài học ở Cảng SG được anh truyền đạt đến các em lớp bóng đá Voi Việt, lẫn nhiều trường học khác.
“Học viên Voi Việt phải có đạo đức. Đối với Cảng SG, sự đạo đức được đặt đầu tiên. Học trò của chú Lang phải vậy. Sau đạo đức mới đến vấn đề chuyên môn. Khi giảng dạy, tôi luôn lấy những hình ảnh của chú Lang, anh Phẩm, anh Chỉnh hay anh Tuấn “nhím” (HLV Lư Đình Tuấn), họ là những thần tượng để đưa vào những bài tập cho các cháu. Đó là tiêu chí cho sự phát triển”, anh Tuấn khẳng định. 
Voi Việt Soccer School: Thêm một “Phiên bản nhí” của Cảng Sài Gòn ảnh 2 Phút thư giãn của thầy trò tại sân tập

Chữ duyên của nghiệp “gõ đầu trẻ”

Văn Tuấn không gặp thời để theo nghiệp huấn luyện các đội chuyên nghiệp. Nhưng chữ duyên lại đưa anh đến với công việc “gõ đầu trẻ”. Nếu nói không quá, cựu tuyển thủ Quốc gia này rất bén với niềm đam mê chơi bóng của “lũ trẻ”. 6 năm gây dựng Voi Việt Soccer School, cựu tuyển thủ Quốc gia này thu về 180 học viên với nhiều chi nhánh lan tỏa khắp Sài thành. Chưa kể những bản hợp đồng nối dài của các trường cấp 1, cấp 2 mời anh về trực tiếp giảng dạy bóng đá học đường.   

“Lúc giải nghệ cũng trăn trở tại sao mình không thể tiếp tục gắn bó với nghiệp quần đùi áo số. Tôi đi làm ở công ty tại TPHCM. May mắn vào năm 2010 được sếp thương và tạo điều kiện cho đi học HLV bằng C và bằng B của châu Á. Nhờ vậy, tôi chuyến hướng đi làm huấn luyện chuyên về bóng đá”, anh Tuấn nhớ lại.

Điểm chung của những người mới lập nghiệp là khó khăn và Văn Tuấn cũng không thể thoát khỏi guồng xoay về mặt kinh tế: thiếu thốn trang thiết bị tập luyện, cơ sở vật chất ... Nhưng anh cho rằng không phải thế mà chùn bước. Ở thời điểm khó khăn, anh được sự tiếp sức, “đồng cam cộng khổ” từ những người đồng đội cũ.

“Mục đích là tạo sân chơi nhằm giúp các cháu có sức khỏe để phục vụ học tập. Bên cạnh tạo cho các cháu có độ tập trung cao, tính kỷ luật, giao lưu để nâng cao tính mạnh dạn cho các cháu và tránh game. Truyền đạt những kinh nghiệm của tôi cho các cháu biết những kỹ năng chơi bóng để sau này nếu có điều kiện và đam mê thật sự thì giới thiệu cho các cháu ở tuyến cao hơn”, anh Tuấn tiếp lời.

Voi Việt Soccer School: Thêm một “Phiên bản nhí” của Cảng Sài Gòn ảnh 3
Con đường theo nghiệp cầu thủ luôn rộng mở
Văn Tuấn cùng các cộng sự luôn có ý thức và tự nhủ phải làm một cách căng cơ nhất để không bỏ sót nhân tài cho bóng đá nước nhà. Các học viên Voi Việt với xuất phát điểm sinh hoạt chung một lớp trước khi có sự sàn lọc nhằm tách thành 2 lớp cộng đồng (với các cháu tập với mục đích sức khỏe, tránh nghiền game) và lớp nâng cao (với những cháu đam mê và có năng khiếu thật sự).
“Cháu nào tốt thì tôi cho tập thêm, tập nâng cao và đưa các cháu sâu vào trong bóng đá. Đâu phải cháu nào được ăn tập ở các trung tâm hay học viện thì sau này sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Có những bạn chỉ chơi phong trào nhưng vẫn theo được nghiệp cầu thủ và thậm chí còn lên cả đội tuyển”, anh Tuấn chia sẻ. 
Văn Tuấn lấy hình ảnh của Tô Văn Vũ (B.Bình Dương) hay Nguyễn Công Thành (TPHCM) làm ví dụ nhằm tạo động lực chơi bóng cho các học viên có năng khiếu.  
Voi Việt Soccer School: Thêm một “Phiên bản nhí” của Cảng Sài Gòn ảnh 4 Các em nhỏ vui đùa giữa giờ tập
“Tôi lấy ví dụ như Tô Văn Vũ hồi xưa cũng làm việc và chơi bóng ở một công ty tại Biên Hòa. Nhưng giờ đã lên tuyển. Và cả Nguyễn Công Thành cũng vậy. Tôi luôn tạo cho các cháu có nền tảng về bóng đá và nâng dần lên. Nếu gia đình cho các cháu theo bóng đá thì mình sẽ ủng hộ và giúp đỡ cho họ”, anh Tuấn kết luận.

Tin cùng chuyên mục