V-League nên dừng lâu dài

Sau vòng 2 diễn ra cuối tuần qua, V-League 2020 sẽ phải tạm dừng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Thông báo cho biết sẽ nghỉ hết tháng 3 và chờ điều chỉnh theo tình hình. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra có nên lùi hẳn V-League một thời gian dài thay vì phải vừa đá, vừa ngóng diễn biến của dịch?

V-League có 26 vòng đấu và thường được thi đấu theo mật độ 1 trận/tuần. Như vậy, tổng thời gian mỗi mùa giải sẽ vào khoảng 6 tháng, thời điểm kết thúc vào tháng 9 hoặc tháng 10 nhằm tránh thời tiết bất lợi cuối năm, đồng thời cũng phù hợp với các hoạt động của đội tuyển quốc gia thường rơi vào các tháng 11-12 (SEA Games và AFF Cup).

Nhưng trên thực tế, căn cứ vào quỹ thời gian thi đấu của V-League, cộng với Cúp Quốc gia (khoảng 5 lượt đấu/5 tuần) trong 2 năm gần đây 2018, 2019 thì một mùa giải nội địa tại Việt Nam chỉ gói gọn trong vòng 5 tháng do vướng liên tục lịch thi đấu của đội tuyển ngày một nhiều hơn. Ví dụ như năm 2018, các đội tuyển của HLV Park Hang-seo tập trung đến 5 lần, mỗi lần từ 2-3 tuần khiến cho V-League bị ngắt vụn. Do đặc thù của bóng đá Việt Nam, ngay cả khi đội U23 tập trung, thì V-League cũng phải tạm dừng, sau đó tổ chức đá dồn 2 trận/tuần.

Do chỉ mới đá có 2 vòng, V-League hiện nay còn đến 24 vòng đấu, nên khi tái đấu cũng xem như là khởi động lại mùa giải mới, không ảnh hưởng đến kết quả sau cùng. Nên nếu có bắt đầu thi đấu trở lại vào tháng 5 thì vẫn dư thời gian (5 tháng) để kết thúc mùa giải trước tháng 10, tránh mùa mưa. Thậm chí, nếu phải thi đấu từ tháng 6 cũng không ảnh hưởng gì, VFF hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian thi đấu của Cúp Quốc gia, tổ chức một vài vòng đấu của V-League theo mật độ 2 trận/tuần, vẫn có thể bảo đảm thời điểm kết thúc giải, dồn sức cho đội tuyển.

Lý do khác: Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 không chỉ tác động đến những giải đấu như V-League mà còn toàn bộ hệ thống thi đấu bóng đá quốc tế nên các hoạt động của đội tuyển cũng sẽ bị “đóng băng” ít nhất cho đến tháng 6. Có muốn tổ chức đá giao hữu hay đi tập huấn cũng phải phụ thuộc vào tình hình chung của dịch bệnh. Như vậy, dù V-League có cố gắng tổ chức thi đấu trong thời điểm hiện nay thì HLV Park Hang-seo cũng không nhận được lợi ích gì. Hơn nữa, hoãn dài hạn V-League cho đến thời điểm đủ bảo đảm khán giả có thể an toàn và yên tâm đến sân, thay vì cố gắng tổ chức mà không có khán giả.

Theo mức bình quân hơn 7.000 khán giả/trận của mùa 2019, mỗi trận đấu không có khán giả, các CLB sẽ mất doanh thu vài trăm triệu đồng, một con số không nhỏ trong bối cảnh nguồn thu vô cùng hạn chế. Những trận đấu ở thời điểm đầu giải bao giờ cũng có lượng người xem đông hơn mức bình quân, nên càng không nên tổ chức theo kiểu đóng cửa, không có lợi cho các bên. Nói cho cùng, không nên thi đấu mà không có khán giả, dù vì lý do gì.

Tin cùng chuyên mục