V-League 2022: Chăm bẵm cái gốc

Vòng chung kết Giải U15 quốc gia 2022 đang diễn ra hấp dẫn ở Gia Lai chứng kiến sự thăng hoa của U15 Huế. Đội bóng trẻ Cố đô gây ấn tượng khi đánh bại chủ nhà cũng là ứng viên vô địch U15 HAGL, bên cạnh các đối thủ khác để thẳng tiến vào bán kết với mạch toàn thắng. Nhưng, bóng đá trẻ Huế trước đó có gì?

U15 Huế gây ấn tượng khi lọt vào bán kết Giải U15 quốc gia 2022 với mạch toàn thắng. ẢNH: KIM PHỤNG
U15 Huế gây ấn tượng khi lọt vào bán kết Giải U15 quốc gia 2022 với mạch toàn thắng. ẢNH: KIM PHỤNG

Từ chuyện U15 Huế...

Lần cuối Huế có thành tích ở giải trẻ vào năm 2017, với tấm huy chương đồng U19 quốc gia. Thành tích ấn tượng nhất trong khâu “trồng người” của họ là chức vô địch U13 toàn quốc từ năm 2006. Nếu không tính Hồ Thanh Minh đoạt huy chương vàng SEA Games 31 mới đây, Lê Văn Trương (huy chương bạc) là cầu thủ Huế gần nhất có thành tích cùng U23 Việt Nam tại SEA Games năm 2005.

Tức đào tạo trẻ của Huế đầy khiêm tốn so với cả nước. Cộng thêm cơ chế không cho phép khiến đội 1 của họ suốt 15 năm qua chỉ được duy trì ở sân chơi Giải hạng Nhất lẫn hạng Nhì (2 năm). Nên giới mộ điệu bất ngờ với thành tích của U15 Huế năm nay là lẽ thường. Nhưng tìm hiểu sâu, bóng đá trẻ Huế lên như “diều gặp gió” đã từ 2 năm qua, cùng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Lấy cột mốc từ tháng 9-2020, khi cựu tuyển thủ Trần Quang Sang - cũng là người con địa phương giữ chức Trưởng đoàn Đoàn bóng đá Huế. Ông cùng các thuộc cấp chăm lấy cái gốc rất kỹ, tức khâu đào tạo trẻ. Đội U15 hiện tại cách đây 2 năm đã vào tứ kết U13 quốc gia, nghĩa thành tích đang đi lên. Đội U17 góp 4 cầu thủ vừa cùng U16 Việt Nam giành ngôi á quân Giải U16 Đông Nam Á mới đây. Thậm chí, đội 1 của họ (23,1 tuổi) còn thuộc tốp 3 đội có tuổi đời trẻ nhất Giải hạng Nhất. Tất nhiên, Hồ Thanh Minh là gương mặt tiêu biểu. Khi đội 1 đang được trẻ hóa, còn lứa kệ cận được nâng cao về chuyên môn, nếu cơ chế của lãnh đạo tỉnh cho phép thì ngày bóng đá Huế trở lại V-League chỉ sớm muộn.   

Chăm lấy cái gốc

Việc Huế “chăm lấy cái gốc” là công thức quen thuộc trong việc xây dựng bóng đá chuyên nghiệp. Bóng đá trẻ chính là “gốc rễ” của nền bóng đá, đội tuyển quốc gia và các CLB mạnh/yếu phụ thuộc chất lượng đầu vào từ hệ thống đào tạo trẻ. Các viên ngọc thô được mài dũa, sàng lọc theo thời gian để tinh khôi bước lên đội 1.

V-League 2022: Chăm bẵm cái gốc ảnh 1 SLNA và Hà Nội FC sở hữu hệ thống đào tạo trẻ chất lượng. ẢNH: MINH HOÀNG
Nói đâu xa, tốp 3 đội đang dẫn đầu V-League 2022 gồm Hà Nội FC, SLNA và HAGL đang sở hữu hệ thống đào tạo trẻ hàng đầu Việt Nam. Việc họ gặt “quả ngọt” sau thời gian dài “trồng người” tốn biết bao tiền bạc lẫn công sức không có gì làm lạ. Chưa kể Thanh Hóa và Viettel, 2 đội tạm thủng lưới ít nhất V-League 2022 - vốn ưu tiên sử dụng “cây nhà lá vườn”. Ai cũng biết Viettel FC đi đầu về công tác đào tạo trẻ, còn Thanh Hóa đậm tính địa phương với những cầu thủ đã chơi và gắn bó cùng nhau từ nhỏ... nhắm mắt thôi cũng biết chuyền bóng ở đâu.  

8 đội từng vô địch trong kỷ nguyên V-League đều có hệ thống đào tạo trẻ ổn định để không phải lo chuyện tương lai. Các lãnh đạo của Hà Nội FC, HAGL và Becamex Bình Dương sau thời gian bỏ tiền đổi lấy danh hiệu cũng đã chuyển đổi mô hình sang đào tài trẻ. Với tư duy của dân kinh tế, họ hiểu đào tạo trẻ mới là gốc gác cho sự tồn tại của CLB. Gần nhất, HLV trưởng U23 Việt Nam Gong Oh-kyun vui mừng đăng tải hình ảnh các cầu thủ trẻ Đà Nẵng, ở độ tuổi U19-21 đang chơi đầy tiến bộ ở V-League 2022.

Việc các CLB chuyên nghiệp tích cực sử dụng cầu thủ trẻ, “cây nhà lá vườn”... đó là điều đáng mừng và mở ra hy vọng cho các đội tuyển quốc gia trong tương lai, mà trước mắt là ASIAD 2023 và xa hơn nghĩ về tấm vé dự World Cup 2026 hay 2030 (khi châu Á có 8,5 suất tham dự). 

Tin cùng chuyên mục