V-League 2021 vẫn phải hơn - thua nhờ ngoại binh?

Dù HLV Park Hang-seo một lần nữa kêu gọi các CLB tại V-League tăng thêm "đất” cho các tiền đạo nội nhưng thực tế cho thấy các đội bóng hàng đầu Việt Nam đang ngày càng lệ thuộc ngoại binh nhiều hơn.

Ngoại binh vẫn là chỗ dựa của hầu hết các CLB ở V-League.
Ngoại binh vẫn là chỗ dựa của hầu hết các CLB ở V-League.

Dù sở hữu chân sút hàng đầu V-League 2020 là Rimario thế nhưng đội á quân Hà Nội FC đã mua cùng lúc 2 cầu thủ Geovane và Bruno, những ngoại binh ghi nhiều bàn thắng thứ 3 và thứ 5 của mùa trước.

Một mặt, đây là kiểu mua người “2 trong 1” mà Hà Nội FC đã áp dụng bấy lâu nay. Tương tự như Juventus ở Serie A, đội bóng Thủ đô luôn “săn” cầu thủ giỏi ngay từ chính các đội cạnh tranh với mình. Vừa tăng sức mạnh, vừa làm suy yếu đối phương. Họ từng mua những Rimario, Pape Omar hay Oseni theo cách này. Trong khi đó, tân binh Bruno là người của Viettel, còn Geovane đến từ đối thủ Sài Gòn FC. Lẽ ra, đội bóng của bầu hiển còn có cả Pedro (Sài Gòn FC) nếu không bị Viettel ra tay trước.

Điều đáng nói là cả Bruno và Geovane đều tiết lộ họ đồng ý đến với Hà Nội FC ngay từ khi mùa giải 2020 kết thúc. Chi tiết này cho thấy, bản thân một đội bóng có nguồn lực tại chỗ tốt, nhiều tuyển thủ quốc gia như Hà Nội, vẫn phải dựa vào ngoại binh.

V-League 2021 vẫn phải hơn - thua nhờ ngoại binh? ảnh 1 CLB Hà Nội rất mạnh nhưng vẫn phải trông đợi vào ngoại binh.
Do dịch Covid-19, hoạt động chuyển nhượng quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí một số thị trường như Malaysia hay Thái Lan bị “đóng băng”. Nhìn thấy trước điều này nên Hà Nội  đã sớm có chuẩn bị, bởi mục tiêu của họ tại mùa 2021 khá nặng nề: Vừa vô địch V-League mà còn phải chơi tốt ở đấu trường AFC Cup, nơi họ từng vào đến trận chung kết thứ nhất hồi năm 2018. Không có ngoại binh tốt thì không thể đặt chỉ tiêu cao được.

Vì Covid-19, các đội bóng V-League phải chấp nhận mua bán lòng vòng với nguồn cầu thủ cũ của mùa trước. Rất may, một số đội như Sài Gòn FC thì đổi mới toàn bộ đội hình, sử dụng nguồn ngoại binh mới toanh đến từ J-League, trong khi Than Quảng Ninh hay SHB Đà Nẵng thì không mua sắm nhiều, nhờ vậy mới “dư dôi” người cho các đội khác.

“May” nhất có lẽ là tân binh Bình Định. Nhờ Hà Nội “chán” Rimario nên chân sút người Jamaica này dễ dàng cập bến Qui Nhơn, rồi có thêm trung vệ cao như cây sào Ahn Byung Keon từ Sài Gòn FC. Trong khi đó, Thanh Hóa nhận Walsh Chevaughn từ HA.GL để đá cặp với Hoàng Vũ Samson, còn đội bóng lân cận Hải Phòng thì có sự tái hợp của cặp “song sát” Lynh và Fagan… Với CLB TP.HCM, họ sẳn sàng chờ Lee Nguyễn từ Mỹ về suốt hơn năm qua, cho dù cơ hội sớm nhất để anh ra sân phải đến vòng đấu thứ 2 của V-League do Lee Nguyễn còn trãi qua thời gian cách li.

V-League 2021 vẫn phải hơn - thua nhờ ngoại binh? ảnh 2 Rimario (9) cập bến Bình Định sau khi chia tay đội bóng thủ đô.
Không có quá nhiều lựa chọn cho các CLB ở V-League. Sử dụng ngoại binh gần như là giải pháp đầu tiên cũng như cuối cùng nếu muốn đạt được mục tiêu. Thực tế thì cũng có một số đội bóng đã có chuyển hướng trong cách dùng cầu thủ ngoại, như Bình Dương, HA.GL và SLNA, nhưng số này khá ít.

Hơn nữa, đây đều là những đội có truyền thống, đầu tư cho bóng đá trẻ dài hạn, cũng đã từng vô địch V-League nên có được sự kiên nhẫn trong vấn đề nhân sự. Ngược lại, với những đội bóng khác, thì mua sắm ngoại binh có khi là cách họ thể hiện tham vọng của mình.

Tin cùng chuyên mục