Việt Nam đang chờ văn bản chính thức từ kết quả kiểm tra doping

Các mẫu thử B của những trường hợp VĐV Việt Nam nghi vấn dính chất cấm (doping) trong SEA Games 31 vừa qua đã có kết quả xét nghiệm tuy nhiên văn bản chính thức còn chờ tổ chức phòng chống doping quốc tế WADA.

Các kết quả doping phải có văn bản chính thức từ WADA mới được công bố cụ thể. Ảnh: MINH CHIẾN
Các kết quả doping phải có văn bản chính thức từ WADA mới được công bố cụ thể. Ảnh: MINH CHIẾN

Trao đổi ngày 21-11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn cho biết “khi có các văn bản chính thức, chúng tôi sẽ có công bố công khai minh bạch và đảm bảo đúng các quy định. Hiện tại, bộ phận phụ trách về công tác kiểm tra, xét nghiệp doping của Việt Nam chưa được văn bản của tổ chức phòng chống doping quốc tế - WADA. Rất hy vọng là các văn bản sẽ sớm có”.

Sau khi các mẫu B của những trường hợp VĐV nghi vấn dính doping tại SEA Games 31 được mở và thực hiện xét nghiệm từ ở ngày 5-11, kết quả được cho biết các mẫu là dương tính. Tổng cộng, thể thao Việt Nam có 5 trường hợp VĐV có mẫu xét nghiệm dương tính. Tất cả các xét nghiệm mẫu B được thực hiện tại phòng xét nghiệm ở Thái Lan, nơi đã thực hiện xét nghiệm các mẫu thử của SEA Games 31 hồi tháng 5.

Theo quy định, các phòng xét nghiệm sẽ chỉ gửi kết quả báo cáo tới WADA và các tổ chức phòng chống doping nhận thông báo từ WADA. Khi WADA có thông báo chính thức, lúc đó mới cụ thể về các trường hợp đã dương tính doping.

Các VĐV đã có giải trình để ngành thể thao tìm hiểu nguyên do dính doping từ đâu từ đó sẽ có các án phạt cũng như WADA có án phạt đối với mỗi trường hợp. Kết quả xét nghiệm cho biết được VĐV dính chất cấm nào.

Tại Việt Nam, Bộ VH-TT-DL đã có Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL (ngày 20-12-2015) Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Theo đó, về việc xử lý vi phạm được các Liên đoàn, Hiệp hội thực hiện quy định: “Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận đánh giá mức độ vi phạm doping, cơ quan có thẩm quyền, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia ban hành Quyết định xử lý vi phạm bao gồm: Hình thức xử phạt, thời gian cấm tham gia hoạt động thể thao trên cơ sở đánh giá mức độ vi phạm và hình phạt bổ sung theo quy định của liên đoàn, hiệp hội. Quyết định xử lý vi phạm của liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia được gửi đến VĐV, Tổng cục TDTT, Trung tâm Doping và Y học thể thao và các cơ quan liên quan theo quy định chuyên môn về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia có trách nhiệm theo dõi và báo cáo định kỳ 6 tháng một lần về hoạt động tập luyện, thi đấu và công tác chuyên môn khác của VĐV trong thời gian bị kỷ luật”.

Tin cùng chuyên mục