Vì sao Công Phượng lại hụt Quả bóng vàng?

Tiền đạo xứ Nghệ “suýt” có một năm hoàn hảo nếu như anh lọt vào danh sách rút gọn của giải thưởng QBV Việt Nam. Anh là chân sút nội ghi được nhiều bàn thắng nhất (6 bàn), cuối năm, anh vẫn là một lựa chọn tin cậy của HLV Park Hang-seo ở đội tuyển quốc gia.

Tiền đạo Nguyễn Công Phượng (trái) trong màu áo CLB TPHCM.
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng (trái) trong màu áo CLB TPHCM.

Tiền đạo xứ Nghệ “suýt” có một năm hoàn hảo nếu như anh lọt vào danh sách rút gọn của giải thưởng QBV Việt Nam. Từ Bỉ trở về nước thi đấu dưới dạng cho mượn ở CLB TP.HCM, Công Phượng là chân sút nội ghi được nhiều bàn thắng nhất (6 bàn) dù anh chỉ chơi khoảng 60% tổng số trận do chấn thương. Cùng năm, Công Phượng cưới vợ, vốn thuộc dòng ‘trâm anh thế phiệt”. Và cuối năm, anh vẫn là một lựa chọn tin cậy của HLV Park Hang-seo ở đội tuyển quốc gia.

Công Phượng vẫn luôn là tranh cãi lớn nhất của cuộc bầu chọn Qủa Bóng Vàng từ năm 2014 đến nay. Mặc dù là ngôi sao trẻ xuất sắc nhất so với những người cùng thời nhưng Công Phượng chưa bao giờ vào đến tốp 3 gương mặt xuất sắc nhất. Là ngôi sao của đội tuyển Việt Nam từ năm 2017, nhưng danh hiệu cá nhân cao quý nhất của làng bóng Việt vẫn ngoảnh mặt với anh.

Nhưng chính sự “vô duyên” của Công Phượng là một minh chứng cho giá trị về chuyên môn của giải thưởng QBV Việt Nam. Nếu chỉ xét về cá nhân, Công Phượng hoàn toàn đủ chất lượng để đứng trong tốp 3. Ở sân chơi mà các chân sút ngoại luôn đóng vai chính, thì việc trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho CLB của mình, đó là điều đặc biệt.

Nhưng đáng tiếc là TPHCM đã có một mùa giải không thành công. Từ chỗ đang là ứng cử viên vô địch, họ kết thúc giải với vị trí thứ 5. Một mình Công Phượng không thay đổi được gì. Vì thành tích của đội bóng kém cỏi, nên khi đặt cạnh những Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng (Viettel - vô địch V-League) hay Quang Hải, Văn Quyết (Hà Nội FC, á quân V-League) thì Công Phượng trở nên thiệt thòi.

Vì sao Công Phượng lại hụt Quả bóng vàng? ảnh 1 Công Phượng vẫn có phần thiệt thòi so với các đồng nghiệp tại V-League.
Những kỳ bầu chọn trước cũng thế. Lúc Công Phượng mới lên đá V-League, thì HA.GL lại ở trong tình trạng trụ hạng giờ chót. Sau đó, Công Phượng sang Nhật Bản (2016), rồi Hàn Quốc và Bỉ (2019) chơi bóng, đa phần chỉ ngồi dự bị. Ngược lại, đồng đội của anh là Lương Xuân Trường hồi năm 2016 sang Incheon chơi bóng tại giải K-League, được ra sân thường xuyên thì ngay lập tức có danh hiệu Qủa bóng bạc. Vai trò của cấp CLB không hề kém so với những đóng góp trên tuyển quốc gia.

Tiếc cho Công Phượng của năm 2020 là ở chổ đó. Từ Bỉ trở về nước để ra sân thường xuyên đã giúp cho Công Phượng tìm lại bản năng của một cầu thủ lớn. Ở tuổi 26, Công Phượng cũng đạt đến độ chín của sự nghiệp cũng như đời sống gia đình. QBV Việt Nam vẫn đang là một thử thách lớn nhất sự nghiệp cầu thủ của Công Phượng.

Nhưng có như vậy thì một ngôi sao như Công Phượng mới giữ nguyên động lực và khao khát nghề nghiệp. Có như vậy thì ở mùa tới, Phượng sẽ còn phải “cháy” nhiều hơn cùng HA.GL và những trận đấu quan trọng trong màu áo đội tuyển. Chỉ riêng chuyện Công Phượng sẽ làm gì để vươn đến tốp 3 QBV, cũng là một đề tài thú vị của năm 2021.

Tin cùng chuyên mục