Vì chúng tôi chọn nghề phóng viên thể thao

Viết báo hay làm truyền hình, mà lại bám mảng thể thao, thì bên cạnh sự kiên trì, kinh nghiệm tác nghiệp và lòng nhiệt huyết, cánh phóng viên cần có nền tảng thể lực bền bỉ để có thể đồng hành cùng các đội tuyển quốc gia ở những sự kiện thể thao diễn ra trong nước và quốc tế kéo dài vài tuần đến cả tháng trời. 
 Giới truyền thông thể thao quốc tế và Việt Nam tác nghiệp tại SEA Games 31. Ảnh: P.MINH
Giới truyền thông thể thao quốc tế và Việt Nam tác nghiệp tại SEA Games 31. Ảnh: P.MINH

Dành cả thanh xuân để yêu nghề

Tại SEA Games 31 ở Hà Nội, tôi gặp lại phóng viên Thanh Xuân (công tác ở Sport5) sau 2 năm vì dịch Covid-19. Cô gái quê Yên Bái với thể hình nhỏ nhắn, giờ trông gầy hẳn so với trước, mắt thâm quầng vì phải thức khuya dậy sớm, di chuyển liên tục ở các địa điểm thi đấu. Khoác lên vai ba lô nặng trĩu với thiết bị điện tử lỉnh kỉnh, dù được nam đồng nghiệp ngỏ lời giúp, nhưng Xuân lắc đầu nói cảm ơn vì muốn bản thân tự làm để rèn sức khỏe và ý chí. Cô đứng tác nghiệp, một tay cầm máy ảnh, tay kia cầm điện thoại phát trực tiếp (livestream) để tương tác với người hâm mộ. Khi có kết quả thi đấu, cô mau chóng chuyển “tài nguyên” về đội ngũ “tác chiến ở nhà” kịp thời cập nhật đến độc giả. 

Thanh Xuân vừa tốt nghiệp Học viện Báo chí Tuyên truyền, nhưng đã có 4 năm cộng tác mảng thể thao, theo nhiều giải đấu cả trong lẫn ngoài nước, có những sự kiện phải tự bỏ tiền túi chỉ để đổi lấy kinh nghiệm. “Tôi vui vì mỗi lần đi tác nghiệp mình là người trẻ nhất, được mọi người quan tâm nhiều. Bốn năm đi làm so với các anh, chị không nhiều, nhưng với bản thân là trải nghiệm đầy quý giá. Ấn tượng nhất là đợt tác nghiệp tại SEA Games 2019 ở Philippines, lần đầu tiên tôi đi công tác nước ngoài một mình. Nhớ trận chung kết bóng đá nữ đến 1 giờ sáng mới kết thúc công việc, tôi bắt taxi về trong cảm giác sợ hãi. Nơi đất khách quê người mà con gái lại còn đi một mình, nghĩ lại thấy liều. Về đến nơi, tôi được một cổ động viên đặt đồ ăn, khi đọc được mẩu giấy nhỏ chị viết để ở mâm cơm, tôi đã khóc ngon lành vì xúc động”, Thanh Xuân nhớ lại. 

Theo đuổi mảng thể thao buộc phóng viên đi hiện trường nhiều, có thể là những chuyến công tác xa với công việc không theo giờ giấc quy chuẩn, ăn uống thiếu điều độ. Thậm chí, các phóng viên nữ phải hy sinh những sinh hoạt đời thường, chuyện yêu đương để thỏa đam mê, cũng là để thể hiện tình yêu và trách nhiệm với nghề. Nhưng bù lại, tư duy của con gái đôi khi cũng khác biệt, mềm mại, có lòng trắc ẩn và sự cảm thông sâu sắc. Đó là lợi thế giúp họ tiếp cận nhân vật dễ hơn đồng nghiệp nam, từ đó tạo nên những sản phẩm báo chí cuốn hút độc giả.

“Tôi đã quen với lịch làm việc cụ thể và ổn định ở đài truyền hình. Khi tác nghiệp tại SEA Games 31 thì lịch khá dày đặc, hay thay đổi, di chuyển nhiều nơi, cường độ công việc cao... và các sản phẩm cần được hoàn thiện nhanh. Tôi chưa có kinh nghiệm làm thể thao nên phải cố gắng để bắt kịp. May mắn khi tôi được làm việc với các chú và các anh hết sức tâm lý, quan tâm và hướng dẫn nhiều trong công việc. Đồng thời, bản thân cũng có kinh nghiệm du lịch, sớm thích nghi với lịch di chuyển. Nhưng quan trọng phải tin vào bản thân và có sự động viên từ gia đình”, nữ biên tập viên Thục Oanh, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, trải lòng.

"Tôi không nghĩ phóng viên nữ sẽ thiệt thòi đâu. Công việc nào cũng cần sự mới mẻ, đổi mới tư duy. Có điều vì con gái nên chuyên môn về thể thao không thể bằng các anh. Nhưng tôi không ngừng cố gắng trau dồi để hoàn thiện bản thân hơn. Con gái ai cũng thích mình đẹp, nhưng đi tác nghiệp khó xinh thật. Muốn ăn mặc đơn giản để tiện công việc. Chuyện hy sinh nhan sắc, tôi nghĩ công việc nào cũng có đặc thù riêng, nghề nào cũng vất vả. Nghề báo dầm mưa dãi nắng, có cực nhưng mỗi lần ra sân được chụp ảnh, phỏng vấn nhân vật, có sản phẩm đem lại giá trị, tôi cảm thấy sung sướng nên cũng quên luôn mệt mỏi" - Phóng viên THANH XUÂN (Sport5)

Đừng ngại thử thách bản thân

Chập chững bước vào nghề, kinh nghiệm vốn là sở đoản của một phóng viên trẻ. Nhưng so với các thế hệ đi trước, các bạn trẻ mang tư duy cởi mở, không bị bó buộc vào khuôn khổ, thành thạo và tiếp cận gần hơn công nghệ hiện đại. Chưa kể lợi thế về sức khỏe và sự nhanh nhẹn giúp người trẻ lăn xả, không ngại khó khăn. Các bạn trẻ được đàn anh, đàn chị khuyến khích “xách ba lô lên và đi”. Bởi càng va chạm nhiều, chịu khó lăn xả và dấn thân, phóng viên càng nhanh trưởng thành và thêm yêu công việc của mình hơn.

“Bên cạnh chạy theo sự kiện để đáp ứng yêu cầu thông tin của tòa soạn, tôi thường tìm những khoảng lặng cho việc tự làm mới, học hỏi đồng nghiệp để tìm hướng đi cho mình. Mỗi khi thấy một tờ báo khai thác đề tài hay, tôi tự đặt câu hỏi: Họ làm thế nào? Mình phải làm gì để khác biệt so với họ và với những báo khác? Vấn đề này có thể tư duy theo cách khác không? Tôi liên tục tìm đề tài, góc nhìn mới, xách ba lô lên gặp những con người mới để tự tìm thêm chất liệu cho mình. Khi đã có chất liệu, tôi sẽ làm được những sản phẩm mới mẻ hơn. Niềm vui của tôi là khi làm ra những sản phẩm như thế và được độc giả đón nhận. Dù có thể sản phẩm ấy không tiếp cận được quá nhiều người, nhưng miễn mang đến độc giả thông tin hay, đó là hạnh phúc của người làm nghề”, phóng viên Hồng Nam, báo điện tử VTC News chia sẻ. 

Để thích ứng với môi trường làm báo thể thao vốn đòi hỏi sự cạnh tranh và sáng tạo, các bạn trẻ phải luôn mang tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, chịu khó tích lũy kinh nghiệm từ trong cả những lần va vấp, rút ra bài học để không phạm lỗi cũ. Phóng viên trẻ cần tận dụng ưu thế riêng để học thêm nhiều kỹ năng như quay dựng, chụp ảnh, viết, ngoại ngữ... Một phóng viên đa năng có thể làm được những sản phẩm chất lượng, sáng tạo và không đi theo những lối mòn, rập khuôn. Đây là hướng đi phù hợp với những người trẻ muốn gắn bó với nghề dài lâu.

“Cơ quan tôi gộp chung cả mảng truyền hình, phát thanh và báo giấy. Điều này giúp bản thân có nhiều cơ hội để thử sức ở các lĩnh vực khác nhau. Tuổi còn trẻ, tôi tâm niệm cần tận dụng mọi cơ hội, thử thách để khám phá khả năng của bản thân nhiều hơn nữa. Sau thời gian làm việc ở đây, tôi cảm thấy còn rất nhiều việc muốn làm, và may mắn khi bản thân tìm được rất nhiều niềm vui lẫn động lực phấn đấu”, nữ biên tập viên Thục Oanh trải lòng.

Cơ hội tác nghiệp quý giá

Đối với cánh phóng viên thể thao, được tham gia một sự kiện và tác nghiệp tại giải đấu nào là điều quá đỗi hạnh phúc. Bởi ai cũng hiểu rằng, mỗi sản phẩm của mình sẽ góp phần mang thông tin thời sự tới hàng vạn bạn đọc đang đón chờ. Và đó là cảm xúc không thể nào quên, nhiều kỷ niệm, nhưng cũng là một thách thức lớn đối với những phóng viên trẻ ở lần đầu tiên trực tiếp tác nghiệp tại đấu trường SEA Games 31.

Được hòa mình trong bầu không khí của đại hội thể thao khu vực thì mới cảm nhận được sự nhiệt huyết với nghề, tận tâm trong công việc, chỉn chu trong từng bài viết, thước phim gửi đến bạn đọc của tất cả anh chị em phóng viên, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật đến từ các báo, đài. 

Lần đầu tác nghiệp tại một kỳ SEA Games, cánh phóng viên trẻ luôn bỡ ngỡ, thậm chí là “ngợp” trước ngồn ngộn thông tin xuất hiện cùng lúc. Việc viết tin bài, chụp ảnh và xử lý ảnh thường diễn ra ngay tại nơi thi đấu, tranh thủ thời gian nghỉ giữa các nội dung thi đấu, hoặc khi chờ ban tổ chức chuẩn bị trao giải thưởng cho các VĐV. 

Các phóng viên phải di chuyển liên tục giữa các địa điểm, mang vác một khối lượng thiết bị lớn, nhiều máy ảnh, ống kính cỡ bự, để kịp thời ghi lại những hình ảnh ấn tượng về VĐV, những khoảnh khắc giàu cảm xúc khi họ mang vinh quang về cho Tổ quốc, hay đó là những câu chuyện bên lề đầy xúc động về tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò theo dòng sự kiện.

Khi những bỡ ngỡ, lo lắng ban đầu cũng dần bị lấn át bởi niềm hạnh phúc và vui sướng khi được hòa mình vào bầu không khí cuồng nhiệt tại các nhà thi đấu, được chứng kiến những khoảnh khắc vinh quang của các VĐV và đặc biệt hơn được trở thành một phần nhỏ trong bức tranh thể thao tươi đẹp của đất nước.

Tin cùng chuyên mục