VAR, trọng tài và... con người

Ở vòng đấu cuối tuần trước tại giải ngoại hạng Anh, các vấn đề về VAR lại gây tranh cãi. Trong các tình huống, nếu quan sát bằng mắt thường thì đều giống nhau, nhưng bàn thắng của Rashford (Man.United) lại được công nhận trong khi 2 bàn của Jesus (Arsenal) và Toney (Brenford) bị từ chối do lỗi việt vị.
VAR nhận định pha ghi bàn của Rashford vào lưới Liverpool ở vòng 3 ngoại hạng Anh là hợp lệ
VAR nhận định pha ghi bàn của Rashford vào lưới Liverpool ở vòng 3 ngoại hạng Anh là hợp lệ

Theo kết luận từ các nhà tổ chức, tình huống của Rashford “nằm trong sai số cho phép”, tức là trong khoảng 5cm dựa vào vạch kẻ trên máy tính, trong khi 2 bàn bị từ chối vì đã vượt quá ranh giới này khoảng... 1cm.

Nếu ở mùa trước, thì cả 3 tình huống đều sẽ bị thổi việt vị, nhưng mùa này giải ngoại hạng vừa bổ sung phần “sai số”. Điều này có nghĩa sẽ xuất hiện nhiều trường hợp mắt thường không thể phân biệt nổi, càng dễ dẫn đến tranh cãi. Vấn đề là, theo nguyên tắc, quyền quyết định vẫn thuộc về trọng tài chính, chỉ có điều những bàn thắng kiểu của Rashford thì ông trọng tài cũng chỉ “nghe” theo lời của máy tính, cái gọi là “quyết định cuối cùng” thực ra vô nghĩa.

Chưa hết, ngay ở mùa giải Champions League này, cũng như tại World Cup 2022, dự kiến công nghệ bắt việt vị “bán tự động” sẽ được áp dụng. Thay vì phải đợi máy tính “kẻ vạch” trên màn hình, thì bằng những cảm biến gắn trên quả bóng, có kết nối với chuyển động trên sân của cầu thủ, máy tính sẽ tự đưa ra kết luận việt vị hay không. Tóm lại, VAR đang ngày càng can thiệp sâu vào các quyết định của trọng tài chính.

Nhắc đến sự thay đổi rất nhanh của bóng đá thế giới ở khía cạnh ứng dụng VAR để liên hệ đến bóng đá Việt Nam, nơi mà VAR chưa được áp dụng. Nếu chúng ta nhìn thấy sự tiến bộ quá nhanh của thế giới, thì buộc phải đặt câu hỏi: đến bao giờ và làm sao để một giải đấu như V-League áp dụng VAR để hỗ trợ trọng tài, đem lại phần nào sự công bằng cho trận đấu.

Ở vòng 12, trọng tài Ngô Duy Lân, được đánh giá là trọng tài tốt nhất Việt Nam, đã thừa nhận bỏ qua một quả phạt đền cho HA.GL, gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Vấn đề là trọng tài Ngô Duy Lân đưa ra lời xin lỗi của mình sau khi xem lại băng ghi hình. Chi tiết này cho thấy, trong một chừng mực nào đó, khả năng ghi hình, phát chậm hiện nay vẫn đủ cơ sở giúp trọng tài xác định được nhiều tình huống gây tranh cãi trên sân. Vậy, phải chăng những nhà điều hành bóng đá Việt Nam nên sớm mạnh dạn áp dụng VAR theo “đặc thù Việt Nam”.

Có vài lý do để làm như vậy. Thứ nhất, nếu chờ đến lúc đủ tài chính, đủ công nghệ thì chẳng biết đến bao giờ, khi mà doanh thu của V-League chủ yếu vẫn ở tài trợ cố định hàng năm. Nghĩa là bây giờ thiếu tiền thì sau này chắc cũng vẫn... thiếu tiền. Thứ hai, dù việc áp dụng VAR trên thế giới có nhiều thay đổi nặng về máy móc, nhưng còn rất nhiều tình huống trên sân vẫn phải nhờ đến trọng tài chính xem trực tiếp màn hình để quyết định. Đó là các trường hợp liên quan đến nhận định của trọng tài như thẻ đỏ, phạm lỗi trước khi ghi bàn, phạt đền... Hiện nay, đa số các trận đấu tại Việt Nam đều có thể xác định được những tình huống nói trên thông qua hình ảnh truyền hình. 

Dù có VAR thì tranh cãi vẫn tồn tại, không gì là tuyệt đối cả. Trong hoàn cảnh của mình, bóng đá Việt Nam cũng nên thử áp dụng VAR có giới hạn dựa trên những gì mình có thay vì chờ đợi đủ điều kiện trong khi năng lực trọng tài lại khá hạn chế như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục