Vận động viên lao đao do Covid-19

Olympic Tokyo 2020 bị hoãn lại một năm do đại dịch Covid-19. Nhiều vận động viên (VĐV) bị đẩy vào thế bị động hoàn toàn sau thời gian dài chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này. Việc tập luyện bị đảo lộn, buộc các VĐV phải linh hoạt hơn trong việc thích nghi với hoàn cảnh, tuy vậy không phải ai cũng có thể thích ứng được…

Trong những ngày đại dịch Covid-19, VĐV thể dục dụng cụ Max Whitlock phải tập luyện tại nhà trên chiếc sofa
Trong những ngày đại dịch Covid-19, VĐV thể dục dụng cụ Max Whitlock phải tập luyện tại nhà trên chiếc sofa

Đối với các VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020, việc chuẩn bị cho sự kiện này thật không dễ dàng. Có những VĐV dự định giải nghệ sau kỳ Olympic lần này, nhưng tin tức sự kiện sẽ hoãn lại một năm đã đẩy họ vào tình huống khó xử: phải nỗ lực thêm 1 năm nữa hoặc khép lại sự nghiệp với một giấc mơ dang dở. Trên khắp thế giới, những lần phong tỏa đã khiến các VĐV phải sáng tạo các phương pháp duy trì thói quen tập luyện tại nhà. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến điểm rơi phong độ của họ ở Olympic Tokyo.

Với nữ VĐV karate Caradh O'Donovan, con đường thực hiện ước mơ Olympic của cô chẳng hề bằng phẳng. Sau 20 năm gắn bó cùng bộ môn kick-boxing với nhiều thành tích vang dội, O'Donovan bắt đầu chuyển hướng sang thi đấu karate vào năm 2017. Để chuẩn bị cho kỳ Olympic Tokyo 2020, nữ VĐV 37 tuổi này đã phải lên kế hoạch tập luyện trong suốt nhiều năm, bỏ qua các chấn thương và căn bệnh viêm đường ruột mà bản thân đang mắc phải. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 ập đến khiến mọi kế hoạch “đổ sông đổ biển”.

Kể từ khi đại dịch diễn ra, Ireland thực hiện phong tỏa trên toàn đất nước và tất nhiên, các phòng tập thể thao đều bị đóng cửa. “Các VĐV không thể tập luyện nhiều từ tháng 3 đến tháng 7 -2020. Để duy trì phong độ, chúng tôi thực hiện một số bài tập cơ bản tại nhà, nhưng chỉ được một nửa cường độ của VĐV đỉnh cao. Thật buồn khi các giải đấu karate ở Ireland hay các sự kiện vòng loại Olympic đều bị hủy từ năm ngoái. Không có phòng tập, không có giải đấu, việc tập luyện dường như ngưng trệ làm tôi cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Chẳng có sự biệt đãi nào dành cho VĐV chuẩn bị cho Olympic hay các giải đấu quốc tế khác”, O'Donovan cho biết.

Còn đối với VĐV thể dục dụng cụ Max Whitlock (Anh), trong giai đoạn nước Anh phong toả, anh đã phải luyện tập môn ngựa tay quay trên chiếc sofa phòng khách. Hay trường hợp của VĐV thi đấu 5 môn phối hợp Samantha Schultz cũng không khá khẩm hơn là mấy. Để giành huy chương ở môn này, Schultz bắt buộc phải có một phòng tập có đầy đủ cơ sở vật chất. Tuy nhiên, chẳng có công viên hay phòng khách nào đáp ứng đủ điều kiện để nữ VĐV này duy trì phong độ.

Theo Giáo sư Wilhelm Bloch, nhà nghiên cứu và bác sĩ thể thao hàng đầu tại Đại học Thể thao Cologne, Đức, tại thời điểm gần diễn ra Olympic, việc huấn luyện tăng cường và được hiệu chỉnh phù hợp sẽ giúp các VĐV đạt đến đỉnh cao phong độ vào đúng thời điểm. HLV cần lập kế hoạch phù hợp ở các buổi tập để VĐV có thể đạt hiệu suất tối đa trong tập luyện. Tuy nhiên, việc giảm cường độ tập luyện và không được tham gia thi đấu trong suốt thời gian qua sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến phong độ của các VĐV. VĐV cần phải có thời gian để cơ bắp thích ứng trở lại với tập luyện cường độ cao, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng chấn thương không mong muốn.

Tin cùng chuyên mục