Vẫn còn khoảng cách

Nguyễn Thị Ánh Viên không thể lọt vào chung kết nội dung sở trường 400m hỗn hợp cá nhân tại giải bơi VĐTG 2017. Sòng phẳng để thấy, Ánh Viên đã bị chững lại.
 Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên hứng chịu một áp lực không nhỏ. Ảnh: Nhật Anh
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên hứng chịu một áp lực không nhỏ. Ảnh: Nhật Anh
Áp lực trên vai
Ánh Viên đang ở tuổi 21. Tương lai của kình ngư người Cần Thơ vẫn còn dài phía trước. Tuy nhiên, giới chuyên môn bơi lội đều hiểu với một cường độ vận động liên tục không ngừng nghỉ từ tập luyện cho tới thi đấu như vậy, một VĐV của môn thể thao này còn trụ vững tới tuổi 25, 26 đã là thành công. Không ai có thể nói Ánh Viên đang bị yếu đi hay đang gặp vấn đề chuyên môn, tự chỉ số trong thi đấu giải chính thức phản ánh điều đó. Ánh Viên thi đấu vòng loại cự ly 400m hỗn hợp cá nhân đạt thông số 4’40”39 và đứng hạng 10 chung cuộc.
Nửa năm qua, Ánh Viên tập luyện đều đặn tại Mỹ đồng thời thi đấu xen lẫn các giải trong từng giai đoạn chuẩn bị theo khối lượng tập luyện. Tại giải Arena Pro Swim Series 2017 (Mỹ) với chặng ở thành phố Indianapolis (diễn ra đầu tháng 3), Ánh Viên dự vòng loại 400m hỗn hợp cá nhân đạt 4’50”50. Thời điểm đó, cô được lý giải ở giai đoạn tập luyện rèn thể lực tại nơi có địa lý cao hơn mặt nước biển cũng như bị ốm nên chỉ dự vòng loại và không thi đấu tiếp chung kết cự ly. Tháng 4, Ánh Viên thi đấu Arena Pro Swim Series 2017 (chặng tại thành phố Mesa) và đạt 4'49"20 ở vòng loại, 4'50”90 tại chung kết 400m hỗn hợp cá nhân. Tháng 5, Ánh Viên thi đấu Arena Pro Swim Series 2017 (tại thành phố Atlanta) có chỉ số 4’45”50 ở vòng loại, 4’45”25 tại chung kết cự ly. 
Hai năm trước, Ánh Viên thi đấu giải VĐTG 2015 và đứng hạng 10 cự ly 400m hỗn hợp cá nhân nhưng chỉ số của cô không tệ: 4’38”78. Một năm trước, Ánh Viên xếp hạng 9 tại Olympic 2016 trong cùng cự ly với kết quả đáng khích lệ là 4’36”85. Khi thi đấu vô địch châu Á 2016 và giành chức vô địch 400m hỗn hợp cá nhân, chỉ số của Ánh Viên là 4’37”71. Kết quả tốt nhất mà Ánh Viên thi đấu cự ly này ở một giải chính thức là 4’34”50 (lập năm 2016 khi thi đấu World Cup bơi lội tại Tokyo-Nhật Bản). Không đạt được mục tiêu như đề ra cũng như chỉ số chuyên môn bị thấp hơn so với khả năng, VĐV và HLV sẽ gặp áp lực không ít trong các giải kế tiếp đặc biệt là SEA Games 2017.

Cơ hội nào tại SEA Games 2017
Năm 2015, Ánh Viên vô địch nội dung 400m hỗn hợp cá nhân ở SEA Games tại Singapore với thông số 4’42”88 và đó là kỷ lục mới của Đại hội. Trên lý thuyết, thi đấu Đại hội thì yếu tố giành thành tích huy chương quan trọng hơn thông số cá nhân chuyên môn. Mục tiêu đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 2017 đặt ra cho Ánh Viên là giành từ 10 tới 12 HCV. Nếu Ánh Viên không đạt tốt các chỉ số chuyên môn cá nhân trong những nội dung cụ thể nhưng vẫn là người về nhất đoạt HCV thì lãnh đạo ngành hoàn toàn yên tâm. Nhưng, với người thi đấu, chuyên môn vẫn là hàng đầu.
Tại giải VĐTG 2017, những kình ngư nữ mạnh nhất của Malaysia đều không lộ diện. Tương tự, tuyển bơi Singapore ém quân nữ mà chỉ đưa VĐV nam tranh tài ở Hungary. Họ là những “ẩn số” không dễ giải với riêng Ánh Viên và bơi lội Việt Nam dù nhà quản lý khẳng định vị thế của Ánh Viên vẫn đang nhất các nội dung nữ tại Đông Nam Á. Trong thời gian giải bơi VĐTG 2017 diễn ra, những chủ lực nữ của bơi Singapore như Quah Jing Wen và Christie Chue đã thi đấu Đại hội thể thao trẻ khối thịnh vượng chung và đạt kết quả HCV rất khả quan.
Nữ kình ngư Phee Jinq En của chủ nhà Malaysia có thời gian tập tại Mỹ, rất ít xuất hiện các cuộc đấu tại khu vực. Trường hợp kình ngư Khoo Cai Lin (Malaysia) dự SEA Games hay không vẫn bỏ ngỏ bởi vấn đề sức khỏe. Qua giải VĐTG 2017, chúng ta biết thêm sự chuẩn bị của nhiều tuyển thủ sẽ thi đấu SEA Games 2017 như Jasmine Alkhaldi, Nicole Oliva (Philippines), Nawapas Pisanuwong, Sudthirak Watcharabusaracum (Thái Lan), Ressa Kania Dewi, Raina Ramdhani, Anandia Evato (Indonesia)...

Tin cùng chuyên mục