US Open: Đánh bại “Cây búa” Matteo Berrettini, Novak Djokovic đấu Alexander Zverev ở bán kết

Lại là một trận đấu “dài 4 ván đấu khác”, và cuối cùng, phần thắng lại nghiêng về phía Novak Djokovic, bất chấp việc vẫn anh phải đối mặt với rất, rất nhiều khó khăn, và thái độ đối nghịch đến kỳ cục của đám đông khán giả - CĐV người Mỹ ở trên khán đài. Sao cũng được, anh chỉ còn cách cú “Calendar Grand Slam” đúng 2 trận thắng, nghĩa là 6 ván thắng…

Novak Djokovic
Novak Djokovic

Từ đầu US Open 2021 cho đến giờ, không cần biết đối thủ bên kia sân Djokovic có phải là các tay vợt đồng hương người Mỹ hay không, đám đông khán giả trên khán đài ở Trung tâm Quần vợt quốc gia USTA Billie Jean King vẫn giữ một thái độ “bất di bất dịch”: Ủng hộ cho tất thảy mọi kẻ đương đầu với tay vợt Đương kim số 1 thế giới người Serbia!

Khi Djokovic đối đầu với Holger Vitus Nodskov Rune ở vòng 1, họ ủng hộ cậu trai người Đan Mạch. Khi Djokovic đương cự với Kei Nishikori ở vòng 3, họ chuyển sang cổ vũ cho tay vợt kỳ cựu của làng quần vợt Nhật Bản. Còn trong suốt trận đấu mới vừa diễn ra vào sáng hôm nay, thứ Năm 9-9, họ lại di dời sự tán dương sang cho tay vợt người Ý - Matteo Berrettini, và vẫn giữ nguyên thái độ đối nghịch, đôi khi có phần “quá quắt”, đối với Djokovic.

“Cựu sư phụ” của Djokovic, huyền thoại quần vợt Đức - Boris Becker từng có chia sẻ về cảm xúc của Djokovic khi chứng kiến chuyện này: “Cậu ấy xem xét chúng, tất cả hầu như đều là sự kém tôn trọng”. Nhưng Novak không làm điều gì để chống lại chuyện này, bằng thái độ trực tiếp của mình. Thay vào đó, anh truyền tải thái độ tích cực gián tiếp bằng các pha bóng phản đòn đẳng cấp và các tình huống ăn mừng ngập tràn cảm xúc, để “thách thức” tất cả.

Riêng trong trận đấu với “Cây búa” Berrettini, sự ủng hộ của đám đông khán giả - và CĐV người Mỹ, hướng về phía tay vợt người Ý, cũng đối nghịch với hướng của Djokovic, đôi lúc đạt đến mức “kém tôn trọng một cách thô thiển”. Khi Djokovic cầm giao bóng điểm số đang là 3-1, giữa cú giao bóng 1 và giao bóng 2 của “Nhà Vua ATP”, các khán giả liên tục gây tiếng ồn. Chính trọng tài đã lên tiếng yêu cầu họ yên lặng, nhưng… chẳng dẫn đến chuyện gì cả.

Vượt qua áp lực từ đám đông khán giả, Djokovic còn phải đối mặt với áp lực từ một tay vợt sở trường giao bóng và đánh thuận tay. Không phải tự nhiên mà người ta đặt biệt danh “Cây búa của quần vợt” cho tay vợt người Ý (dù biệt danh “cây búa” thường được dùng trong bộ môn… quyền Anh, đặt cho các võ sĩ sở hữu những cú đấm nặng ký). Những cú giao bóng sấm sét và những cú thuận tay uy lực là thứ đã rèn đúc nên thành công của Berrettini.

Tay vợt người Ý đã chơi cực kỳ hứng khởi trong ván đấu đầu tiên, khi thắng break-point bản lề ở game đấu thứ 11, sau hàng loạt pha giằng co ở các game trước đó, và vượt lên dẫn trước 6-5. Có ưu thế về tâm lý, lợi thế về điểm số, Berrettini chuyển hóa game cầm giao bóng tiếp theo của mình (game đấu thứ 11) trở thành game thắng để chiếm quyền kiểm soát ván đấu mở màn. Tất nhiên, anh cũng phải rất chật vật mới tận dụng cơ hội thắng set-point thứ 4.

Thua 1 ván đấu, với người khác là "chuyện khó", nhưng với Djokovic là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đây là lần thứ 4/5 trận đấu, Djokovic thua trước 1 ván đấu để hướng đến chiến thắng chung cuộc có cùng tỷ số 3-1. Vậy nên, anh chỉ tập trung tối đa vào lối chơi của mình. Djokovic dần nắm được mấu chốt để chuyển hóa cục diện và giành quyền kiểm soát ngược trong 3 ván đấu còn lại. Có thời điểm, “cây búa” mới chính là “những cú đánh của anh”.

Thắng ngược 6-2, 6-2 và 6-3, Djokovic khiến mọi nỗ lực “gõ - nện” của Berrettini trở nên vô ích, càng khiến đám đông khán giả tại New York khan cổ, khàn giọng mà chẳng đạt được mục đích của mình. Djokovic ngạo nghễ giành quyền vào chơi trận bán kết US Open thứ 12 trong sự nghiệp, và là lần đầu tiên trong 3 năm trở lại đây. Anh chỉ còn cách “Calendar Grand Slam”, và danh hiệu Grand Slam thứ 21 đúng 2 trận nữa. Nhưng anh trân trọng Matteo.

“Đây là một trận đấu tuyệt vời, với rất nhiều năng lượng trên sân đấu, cả ngoài sân đấu nữa (câu này hẳn ám chỉ đến đám đông khán giả trên khán đài). Matteo là một tay vợt khủng khiếp. Là người đã hiện diện trong tốp 10 thế giới. Mỗi khi chúng tôi phải đối đầu với nhau, đó đều là những trận đấu kịch chiến sát sao và ngang ngửa”, Djokovic nhận xét đối thủ.

Vượt qua Berrettini, Djokovic phải lo đến đối thủ tiếp theo - Nhà Đương kim vô địch Olympic Alexander Zverev. Zverev, kẻ “tiếp quản giấc mơ săn Vàng” của Djokovic ở Thế vận hội tại Nhật Bản sau khi loại chính anh ở bán kết nội dung đơn nam môn quần vợt, đang sở hữu thứ phong độ và khí thế hừng hực. Anh này vừa đánh bại Lloyd Harris (Nam Phi) 7-6 (8-6), 6-4 và 6-3 để sở hữu chuỗi 16 trận thắng liên tiếp, kèm theo HCV Olympic và danh hiệu Cincinnati.

US Open: Đánh bại “Cây búa” Matteo Berrettini, Novak Djokovic đấu Alexander Zverev ở bán kết ảnh 1 Alexander Zverev
Cũng như Djokovic, Zverev có tham vọng rất riêng. Anh muốn trở thành tay vợt đầu tiên từ thời Andy Murray, giành HCV đơn nam Olympic và ngôi vô địch US Open trong cùng một mùa giải. Trong quá khứ, Zverev đấu Djokovic những 9 lần, chỉ thắng 3 lần. Đó vốn là các chiến thắng đáng nhớ ở chung kết Rome Masters 2017 (lần đầu tiên 2 người đấu nhau), ở chung kết của ATP Finals 2018, và như chúng ta đã biết, ở bán kết của Olympic Toyko…

Djokovic đánh giá rất cao địch thủ sắp tới của mình: “Cậu ấy đang có phong độ đáng sợ. Cậu ấy đã thắng rất nhiều trận đấu. Sau Wimbledon, tôi không nghĩ cậu ấy đã để thua trận đấu nào. Giành HCV ở Olympic, đăng quang Cincinnati Masters một cách cực kỳ thoải mái. Rồi cậu ấy đã lọt đến bán kết ở đây…".

"Chúng tôi từng chạm trán nhau, mới hồi 1 tháng trước ở Tokyo. Khi đó, tôi dẫn trước 1 ván đấu và 1 break-point, nhưng cậu ấy vẫn tìm cách xoay chuyển được cục diện. Giờ đây, trước mắt là bán kết Grand Slam. Cậu ấy là một trong những tay vợt giỏi nhất thế giới ngay lúc này, còn tôi thì rất phấn khích. Thử thách càng lớn, vượt qua được nó thì càng vinh quang”.

Tin cùng chuyên mục