Tuyển chọn tài năng: cử tạ không thể chậm chân

Cử tạ Việt Nam đang có những kế hoạch chuẩn bị hiệu quả nhất nhằm có lực lượng hướng đến những đấu trường quan trọng là ASIAD và Olympic. Điều cần nhất là phải có con người cụ thể chuẩn bị cho các mục tiêu này.

Cử tạ Việt Nam đã đấu tốt tại SEA Games 31 nhưng vẫn phải có những con người trọng điểm cho ASIAD và Olympic. Ảnh: H.THANH
Cử tạ Việt Nam đã đấu tốt tại SEA Games 31 nhưng vẫn phải có những con người trọng điểm cho ASIAD và Olympic. Ảnh: H.THANH

Ngày 25-8, Tổng cục TDTT có cuộc làm việc triển khai Đề án “tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thế thao thành tích cao đến năm 2035”. Có thể xem, đây là một trong những Đề án quan trọng hướng vào những môn trọng điểm, ở nội dung trọng điểm, mà chúng ta vốn có thế mạnh có thể tranh chấp huy chương trong các đấu trường lớn là ASIAD hay Olympic. Cử tạ là môn không nằm ngoài nhóm môn sẽ được đưa vào xây dựng chương trình đào tạo trong Đề án.

Qua trao đổi trước đó, đại diện Vụ thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT) – đơn vị quản lý trực tiếp và xây dựng các nội dung chương trình chuẩn bị của bộ môn cử tạ của ngành thể thao – từng chia sẻ, một kế hoạch chuẩn bị dài hơi và tập trung nhất hướng vào một số gương mặt quan trọng của cử tạ được chuẩn bị.

Cử tạ Việt Nam, cấp đội tuyển, đã có 2 giải đấu quốc tế gần nhất để chứng tỏ năng lực là Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 và SEA Games 31. Tại Olympic trên đất Nhật Bản, những thất bại của Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên là lời cảnh báo để người làm cử tạ của bộ môn cử tạ & thể hình (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn cử tạ & thể hình Việt Nam phải xem xét lại phương thức đào tạo, chuẩn bị lực lượng. Tới SEA Games 31, chúng ta đã có những HCV của Lại Gia Thành (55kg nam), Hoàng Thị Duyên (59kg nữ), Phạm Thị Hồng Thanh (64kg nữ) tuy thế, họ hải nỗ lực để hướng tới ASIAD hay tìm cơ hội tranh vé Olympic ở năm 2024.

“Chúng tôi cũng phải tìm những con người hiệu quả nhất. Cử tạ là cả một quá trình tích lũy chứ không thể nói có được ngay một VĐV thật xuất sắc. Mỗi VĐV có tố chất riêng và làm thế nào giúp họ phát huy tố chất rồi vấn đề cởi bỏ tâm lý khi đứng trên sàn nâng là điều không dễ”, HLV Huỳnh Hữu Chí đang có mặt tại Hà Nội dự giải các câu lạc bộ cử tạ toàn quốc 2022 đã trao đổi.

Chọn con người nào cho mục tiêu tương lai, cử tạ Việt Nam (nam, nữ) đều đang xem xét kỹ lưỡng. Tới đây, đội tuyển cử tạ chính thức trở lại sân chơi quốc tế sau giai đoạn không thể thi đấu vì ảnh hưởng của Covid-19 suốt 2 năm qua.

Tháng 10, đội tuyển dự giải vô địch châu Á 2022 tại Bahrain. Tháng 12, đội tuyển đấu giải vô địch thế giới tiI Colombia. Giải vô địch thế giới năm nay chính thức được tính điểm cho vòng loại Olympic nên cử tạ Việt Nam rất thận trọng. Qua trao đổi, những tuyển thủ như Hoàng Thị Duyên, Phạm Thị Hồng Thanh có trong danh sách chuẩn bị góp mặt các giải trên. Tuy nhiên, một điều đang khiến các tuyển thủ ở danh sách dự kiến tham dự đang không khỏi suy nghĩ đó là giải vô địch thế giới tổ chức từ ngày 5 tới 16-12, trùng thời điểm diễn ra Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022.

Hạng cân nhỏ của nam, nữ như 61kg nam, 59kg nữ là nơi cử tạ Việt Nam có triển vọng ở trong nhóm tranh chấp huy chương nếu tìm được con người đúng khả năng, có sự quyết tâm trên hết. Tổng thư ký Liên đoàn cử tạ & thể hình Việt Nam – ông Đỗ Đình Kháng đã trao đổi, qua mỗi giải đấu thì chúng ta xem xét kỹ hơn sự phát triển chuyên môn của VĐV nhưng quan trọng nhất là cần nguồn xã hội hóa chung sức đầu tư cử VĐV tập huấn nước ngoài.

Đại diện bộ môn cử tạ (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Huy Hùng bày tỏ con người trọng điểm trong đầu tư của môn cử tạ đang được tính toán cụ thể nhất và chọn đúng VĐV, HLV có khả năng để bồi dưỡng, đầu tư hướng tới các mục tiêu thành tích quan trọng ở tương lai.

Tin cùng chuyên mục