Tự gây khó

Mới đây có thông tin cho biết, một công ty truyền thông tại Việt Nam đã mua được bản quyền 2 trận đấu của đội tuyển quốc gia thi đấu ở giải King’s Cup (Thái Lan) với mức giá lên đến gần 7 tỷ đồng. Cũng chính người đại diện của đơn vị này thừa nhận, mức giá này cao hơn gần 10 lần so với mức bình quân trước đây của giải đấu.

Câu chuyện về các bản quyền bóng đá liên quan đến những trận đấu của đội tuyển và U.23 Việt Nam liên tục tăng trong các sự kiện gần đây cho thấy sức hút của các học trò HLV Park Hang-seo.

Tuy nhiên, cũng cần phải đặt câu hỏi: Chúng ta có cần thiết phải có mọi bản quyền truyền hình hay không? Và liệu có phải chính sự ham muốn có bản quyền ấy là động cơ để các đơn vị kinh doanh đẩy giá bán lên cao?

Bài học về bản quyền của giải Ngoại hạng Anh vẫn còn đó. Cuộc đua tranh giành quyền phát sóng của các nhà đài tại Việt Nam suốt một thập kỷ đã đẩy giá bản quyền truyền hình lên gần ngang với các quốc gia vốn có thu nhập bình quân đầu người cao tốt hơn chúng ta.

Chính cuộc đua ấy đã khiến đợt bản quyền truyền hình của giải Ngoại hạng Anh mới nhất không còn đài nào dám theo đuổi ngoài K+, đơn vị có nguồn vốn lớn từ liên đoàn nước ngoài. 

Bây giờ, với bản quyền truyền hình các trận đấu của đội tuyển cũng vậy. Một giải đấu có tính chất giao hữu mời như King’s Cup, thì về lý thuyết thường không đặt nặng mục tiêu kinh doanh bản quyền truyền hình bởi mục tiêu lớn nhất vẫn là quảng bá hình ảnh, tạo cơ hội thi đấu.

Nhưng rõ ràng, các nhà tổ chức phía Thái Lan đã “đánh hơi” thấy nhu cầu xem của khán giả Việt Nam quá lớn. Đây là lý do khiến họ thay đổi lịch thi đấu, qua đó sẽ diễn ra trận Thái Lan - Việt Nam ngay từ loạt trận đầu tiên.

Với phương án này, kể cả khi Thái Lan không lọt vào trận chung kết thì họ cũng sẽ có ít nhất 1 trận đấu mà cả người Thái lẫn người Việt đều mong chờ. Nếu theo thông lệ quốc tế, thì Thái Lan sẽ phải đá với Ấn Độ trận đầu tiên, có thể sẽ không đối đầu trực tiếp với Việt Nam ở trận thứ 2, xem như sẽ bỏ lỡ một cơ hội bằng vàng để bán bản quyền truyền hình.

Có cầu thì tự nhiên sẽ có cung. Nhu cầu mua bản quyền truyền hình của Việt Nam quá lớn và thật đáng tiếc là chính chúng ta lại tự nhiên phô bày nhu cầu một cách quá rõ ràng.

Hãy tưởng tượng, chỉ là một giải đấu giao hữu thôi mà chúng ta đã bỏ ra chừng đó tiền để mua sóng, thì vào những giải chính thức sắp đến như vòng loại World Cup 2022 hay SEA Games 30, giá cả còn tăng đến mức nào. Nói cách khác, chúng ta đang tự gây khó cho mình.

Có người sẽ lập luận: Đây là đòi hỏi của người hâm mộ và việc phục vụ khán giả ở cấp độ đội tuyển quốc gia cũng là một công việc có nhiều ý nghĩa chứ không đơn thuần là thương mại.

Điều này không sai, tuy nhiên, do việc xem truyền hình bóng đá ở Việt Nam đa phần là miễn phí nên cũng khó có thể đo lường một cách chuẩn xác đâu là sự hâm mộ thực chất, đâu là đòi hỏi có tính phong trào và quan trọng hơn cả là không thể xác định được đâu là chi phí hợp lý để chúng ta phải bỏ tiền mua bằng được bản quyền truyền hình.

Nói cho cùng, chúng ta không biết đội tuyển của HLV Park Hang-seo sẽ phát triển đến mức nào, trong bao lâu. Nếu cứ mua bằng mọi giá, đến lúc nào đó, khi cần mua thì lại không thể mua được.

Tin cùng chuyên mục