Trứng dồn một rổ?

HLV Park Hang-seo sẽ có thêm ít nhất 2 năm nữa làm việc với bóng đá Việt Nam khi VFF và nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ tái ký hợp đồng trong ngày hôm nay. Lần đầu tiên trong lịch sử, cụm từ “giành quyền dự World Cup 2026” đã được hai bên đề cập đến, dù không thể hiện bằng điều khoản cụ thể trong hợp đồng.
HLV Park Hang-seo sẽ có thêm ít nhất 2 năm nữa làm việc với bóng đá Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
HLV Park Hang-seo sẽ có thêm ít nhất 2 năm nữa làm việc với bóng đá Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Để có được những chi tiết đầy khích lệ đó, VFF phải vận động được một khoản ngân quỹ khổng lồ để vận hành đội tuyển quốc gia và U23. Ngoài lương của ông Park, VFF còn phải bảo đảm duy trì hệ thống các trợ lý người Hàn Quốc lên đến 5 - 6 người. Không có con số cụ thể, nhưng chỉ riêng tiền lương, cũng đã gần 150.000 USD/tháng, mỗi năm cũng xấp xỉ 2 triệu USD. Đó là chưa tính các chi phí tiền lương cầu thủ, di chuyển tập huấn, tất cả đều ở chất lượng cao nhất…

Khi bóng đá đang lên, việc tìm nguồn tài chính vận hành đội tuyển có thể không khó. Dù là 100 tỷ đồng/năm đi nữa thì nếu có các tập đoàn hàng đầu Việt Nam chia nhau đóng góp cũng chẳng phải là quá tầm. Nhưng cũng cần phải đặt vấn đề: Nếu mọi nguồn lực tốt nhất, nhiều nhất đều dành hết cho đội tuyển quốc gia, phần còn lại… ai lo?

Hỏi như vậy không thừa. Trong danh sách dự vòng loại U19 châu Á, chỉ duy nhất 1 cầu thủ của HA.GL, đội á quân giải vô địch U19 quốc gia kết thúc hồi tháng 3. Kể từ khi khóa 1 của Học viện HA.GL ra trường năm 2014 đến nay, trung bình số cầu thủ HA.GL ở các cấp độ đội tuyển đều 4 - 5 người mỗi lần tập trung. Một CLB có chính sách đầu tư cho bóng đá trẻ như HA.GL hiện đóng góp “quân” cho U19 quá ít là dấu hiệu không tốt một chút nào. Đã thế, có thông tin bầu Đức cũng đã “chán” bóng đá.

Nhưng đâu chỉ có HA.GL, rất nhiều CLB tại V-League hiện nay đang cảm thấy mình bị “đẩy ra ngoài rìa” của đời sống bóng đá khi sự quan tâm của công chúng gần như chỉ tập trung vào đội tuyển. Trong khi đó, các đội bóng do HLV Park Hang-seo dẫn dắt cũng bị “đóng khung” về nhân sự. Động lực đầu tư ở cấp độ CLB đang mất dần. Đã có thông tin cho biết, khoảng 3 CLB tại V-League hiện nay chưa chắc sẽ tồn tại khi mùa giải 2020 khai mạc. Trong khi đó, dù xuất hiện một số đội bóng tư nhân mới như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay Phố Hiến (hạng nhất) nhưng thực tế, đây cũng chỉ là các CLB “chân rết” của Hà Nội và trung tâm PVF. Sau khi Khánh Hòa xuống hạng, từ Đà Nẵng đổ vào Nam chỉ còn đúng 6 CLB đá tại V-League, nhưng hết 3 đội (Đà Nẵng, Quảng Nam, Sài Gòn FC) vẫn bị xem là “của bầu Hiển”.

Bóng đá Việt Nam đang đạt thành tích tốt, chúng ta cũng nên tính đến chuyện dư World Cup một cách căn cơ kể từ năm 2026, khi FIFA mở rộng lên 48 đội. Nhưng cho dù có tính toán, có thuê HLV tài ba thế nào, điều cốt lõi vẫn là phải phát triển được nền móng ở cấp CLB. Không thể quay về với mô hình “nuôi gà chọi”, dựa trên một vài trung tâm đào tạo và dồn hết mọi nguồn lực tài chính tốt nhất cho đội tuyển mà hoạt động đầu tư, phát triển bóng đá chuyên nghiệp tại V-League lại eo sèo như “chợ chiều”.

Thường thì thành tích tốt của đội tuyển sẽ kéo giải nội địa thăng hoa, nhưng ở bóng đá Việt Nam hiện nay, chưa thấy xu hướng đó.

Tin cùng chuyên mục