Trong vòng tay của mẹ!

Chuyện các vận động viên (VĐV) thi đấu thành công, mang vinh quang về cho quê hương, Tổ quốc để được giới truyền thông săn đón, người hâm mộ xin chụp hình, gia đình chung vui... vốn dĩ lẽ thường. Nhưng có bao giờ bạn tự đặt mình vào cảm xúc của người thất bại hay chưa? Bởi ranh giới giữa thất bại và thành công trong thể thao vô cùng mỏng manh.
Trần Nhật Hoàng được mẹ động viên sau thất bại chung kết 400m. ẢNH: HIỆP TẠ
Trần Nhật Hoàng được mẹ động viên sau thất bại chung kết 400m. ẢNH: HIỆP TẠ

Dưới tiếng hò reo của người hâm mộ có mặt trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Trần Nhật Hoàng đã bật hết công suất để bứt tốc trong 50m cuối của trận chung kết 400m. Chàng trai gốc Khánh Hòa lao nhanh về phía trước như mũi tên, nhưng rồi chỉ đổi lại bằng cái ngã quỵ xuống khi cán đích thứ 5 chung cuộc, không bảo vệ được tấm HC vàng. Một phần vì quá mệt và thất vọng với bản thân, chân chạy sinh năm 2000 hét lên thật to: “Sao mày dở quá vậy!” để truất cơn giận. Với cánh phóng viên đứng tác nghiệp và người hâm mộ - tất cả đã chết lặng với cái khoảnh khắc xé lòng ấy! Ở tuổi 22 - nhưng Nhật Hoàng chính là niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam, sức ép trên vai lớn vô cùng.  

Trước thềm SEA Games 31, Nhật Hoàng đối diện với nguy cơ lỡ hẹn vì chấn thương nặng. Nhưng chàng trai gốc Khánh Hòa không chịu bỏ cuộc, đầu hàng số phận. Nhất là khi giải đấu được tổ chức trên sân nhà, phía trên khán đài có mẹ, có gia đình ủng hộ - Hoàng tin mình sẽ vượt qua khó khăn, để hướng đến tấm HC vàng dành tặng cho tổ ấm yêu thương. Tiếc rằng ước nguyện đã không thành.

Bà Trần Thị Ngọc Dung - mẹ của Nhật Hoàng chạy vào để lau nước mắt, ôm cậu quý tử vào lòng. Còn Hoàng liên tục nói lời xin lỗi. Nhưng với bà Dung - lời xin lỗi hay kết quả thi không bằng sức khỏe của con. Nhìn con đau đớn trong thất bại, bậc phụ huynh nào cũng phải nghẹn lòng. Nhưng họ không được phép để lộ cảm xúc ra ngoài, cố gắng mạnh mẽ để trở thành điểm tựa vững chắc cho con. Mang nặng đẻ đau, nuôi con và đồng hành cùng Nhật Hoàng ở mọi giải đấu trong và ngoài nước nên bà Dung vừa là mẹ, vừa làm huấn luyện viên, kiêm luôn bác sĩ tâm lý cho con trai.

Với cánh mày râu, đặc biệt là dân thể thao đỉnh cao - nhưng Nhật Hoàng cũng đầy mỏng manh với cảm xúc, sâu thẳm trong tim vẫn là đứa trẻ cần sự nuôi dưỡng và chăm sóc. Vậy nên trong thời khắc thất bại ấy, Hoàng cần một vòng tay, một bờ vai để gục đầu vào mẹ để buông rơi bao lớp mặt nạ đầy mạnh mẽ thường nhật. 

Nhìn Nhật Hoàng khóc “ngon lành” như đứa trẻ trong vòng tay của mẹ làm tôi nhớ đến 2 câu thơ bất hủ trong bài thơ Con Cò của tác giả Chế Lan Viên: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Một năm sau, SEA Games sẽ quay trở lại. Mang tinh thần mạnh mẽ của thể thao, tin rằng Nhật Hoàng và những VĐV khác của thể thao Việt Nam chưa thi đấu đúng phong độ ở SEA Games 31 sẽ tái xuất thật mạnh mẽ, để những giọt nước mắt cay đắng của ngày hôm nay sẽ trở thành giọt nước mắt hạnh phúc sang năm.

Tin cùng chuyên mục