Trao thêm cơ hội

Năm 2020 này, nếu không có gì thay đổi thì đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu ít nhất 11 trận chính thức, bao gồm 3 trận còn lại của vòng loại thứ 2 World Cup khu vực châu Á và AFF Cup 2020 (nếu vào đến chung kết). Trong trường hợp giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup 2020, thì số trận đấu có thể lên đến 13, chưa tính đến các trận giao hữu hay thi đấu tập huấn.

Mật độ thi đấu tăng lên là nhờ trình độ của bóng đá Việt Nam thay đổi, cơ hội đi sâu ở các đấu trường quốc tế nhiều hơn, nhưng đi kèm với đó là bài toán lực lượng.

Ví dụ, ngay sau khi trung vệ Duy Mạnh dính chấn thương phải nghỉ dài hạn, người ta mới giật mình khi biết hiện tại chỉ còn đúng 2 cầu thủ đá ở vị trí này là Quế Ngọc Hải và Bùi Tiến Dũng. Trung vệ của đội tuyển U23 là Thành Chung mặc dù suốt năm 2019 luôn được triệu tập lên tuyển nhưng lại chưa từng được HLV Park Hang-seo cho ra sân. Không chỉ khủng hoảng trung vệ, các hậu vệ biên và cả thủ môn hiện đều đang gặp khó ở băng ghế dự bị.

Nhờ có được sự ổn định về đội hình mà thành tích của bóng đá Việt Nam tịnh tiến trong 2 năm qua. Nhưng chính sự ổn định đó lại là nguyên nhân sâu xa triệt tiêu cơ hội của các cầu thủ khác.

Ở đội tuyển quốc gia, suốt năm 2019, HLV Park Hang-seo chỉ thay đổi đội hình chính 3 lần và cả 3 lần cũng chỉ dùng những cựu binh của năm 2018 chứ không tạo ra sự thử nghiệm nhân sự nào.

Thậm chí, ở đội bóng trẻ U23 trong 7 đợt tập trung chuẩn bị cho SEA Games 30, có đến hơn 60 lượt cầu thủ khác nhau được gọi, nhưng đến khi thi đấu, thì 7 trong 11 vị trí thường xuyên ra sân lại đến từ đội tuyển quốc gia chắc suất.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao bóng đá Việt Nam, nhất là V-League, không giới thiệu được cầu thủ mới cho ông Park Hang-seo, hay vì áp lực thành công khiến nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng như các nhà chuyên môn tại VFF không thể mạo hiểm thử nghiệm?

Thực tế thì V-League không thiếu tài năng. Văn Quyết, Xuân Tú, Hoàng Thịnh, Phi Sơn… đều là trụ cột tại các CLB. Xét ở mức độ đóng góp cho đội nhà, họ còn làm tốt hơn các tuyển thủ quốc gia vốn khá mỏi mệt khi phải “cày” liên tục trên tuyển.

Có ý kiến cho rằng, những cầu thủ này không phù hợp và quyền chọn lựa nhân sự thuộc về HLV Park Hang-seo. Hơn nữa, sức ép từ dư luận rất lớn, vì ai cũng cảm thấy yên tâm hơn với những cầu thủ quen thuộc trong đội hình ra sân. Nhưng cuộc sống không như mơ, những người đá chính bị chấn thương thì phải dùng đến dự bị. Người không đạt phong độ cao thì cần nhường cơ hội cho các tân binh. Đó là cách tốt nhất để tăng chiều sâu đội hình.

Khi mật độ thi đấu nhiều hơn, thì ngay ban huấn luyện, theo yêu cầu của HLV Park Hang-seo cũng đã tăng lên gấp đôi, thời gian tập trung dài hơn. Thế nhưng, nghịch lý là thành phần của các đội tuyển lại chẳng thay đổi, chỉ một nhóm khoảng 20 cầu thủ xoay tua liên tục để đá chính. Sự quá tải cùng áp lực đến kỳ vọng thành tích trước sau gì cũng sẽ “đánh gục” họ.

Tin cùng chuyên mục