Tiền nhiều để làm gì

Dự kiến hôm nay 19-3, các đội bóng của Giải ngoại hạng Anh sẽ ngồi lại để quyết định việc tiếp tục hoãn hay hủy bỏ mùa giải hiện tại.

Sự nôn nóng của Giải ngoại hạng Anh (Premier League) về việc đá hay không đá trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay khiến các CLB ở những hạng đấu thấp hơn trở nên bất bình. Họ cho rằng, những CLB giàu có đang tìm cách để được thi đấu, mạo hiểm dịch bệnh, nhằm bảo toàn số tiền khổng lồ đến từ bản quyền truyền hình. Trong khi đó, những đội bóng ở cấp thấp hơn thì lại lâm vào tình trạng phá sản, nhưng chẳng ai muốn đoái hoài.

Trên thực tế, nếu mùa giải bị hủy bỏ, thì tỷ lệ thiệt hại lớn nhất thuộc về các đội bóng cấp thấp. Doanh thu của họ chỉ đến từ bán vé, không đá thì không có tiền, chưa kể phải trả lại tiền “vé trọn mùa” cho các CĐV cũng như tiền lương cầu thủ, nhân viên. Dự kiến mỗi đội sẽ mất từ 1-2 triệu USD, dù không là gì so với các CLB ở giải ngoại hạng, nhưng đó là ngân sách cả năm hoạt động của họ.

Mất mát là thế, nhưng vì sức khỏe của cộng đồng, họ phải chấp nhận phương án hủy bỏ mùa giải thay vì cố gắng hoàn thành phần còn lại bằng các trận đấu không có khán giả. Một chủ tịch của CLB ở Giải hạng nhì nước Anh nói: “Nếu chúng ta không thể đưa khán giả đến một nơi an toàn để xem bóng đá, thì tốt hết là đừng đá. Còn nếu đá mà không có khán giả, thì còn tệ hơn nữa”.

Chính vì thế, khi nghe tin các CLB ở Premier League vẫn có ý định đá tiếp, sự tức giận từ các đội hàng dưới trở nên lớn hơn. “Lẽ ra các cầu thủ triệu phú của Premier League nên dành khoản tiền lương mà họ nhận được ở thời gian nghỉ thi đấu để giúp đỡ các đồng nghiệp của họ đang thất nghiệp, không có tiền sinh sống, hơn là nghĩ đến việc tiếp tục ra sân để kiếm thêm tiền”, cựu Giám đốc Premier League Brian Law bình luận. Danh thủ Wayne Rooney hiện đang đá ở Giải hạng nhất cũng khẳng khái: “Các ông chủ đang xem cầu thủ như chuột bạch”. Còn HLV nổi tiếng Ancelotti thì đúc kết: “Hãy nhớ bóng đá chỉ là thứ quan trọng nhất trong những thứ… kém quan trọng nhất của cuộc sống”.

Thái độ cố chấp của các nhà điều hành Premier League đang chịu nhiều chỉ trích sau khi có thông tin cho biết, giải đấu này sẽ mất từ 2-3 tỷ bảng tiền bản quyền truyền hình khi các nhà đài không thanh toán vì hợp đồng bị gián đoạn. Thậm chí, một thành viên giấu tên của ban điều hành Premier League còn bất bình khi tổ chức của anh ta phớt lờ yếu tố chuyên môn. “Cầu thủ nghỉ 3 tuần, 5-6 tuần không tập luyện làm sao có thể trở lại phong độ. Các CLB nghỉ nhiều như vậy, khi tái đấu cũng chẳng còn động lực, tính công bằng cũng mất đi thì đá nữa để làm gì?”.

Tin cùng chuyên mục