Thể thao Việt Nam xứng tầm vị thế

Năm 2019 khép lại thành công với thể thao Việt Nam sau SEA Games 30 nói chung và những thành tích nổi bật của bóng đá nói riêng. Năm 2020, có 2 sự kiện lớn nhất thế giới chờ đợi sự thăng hoa của thể thao Việt Nam, là Olympic 2020 và các trận vòng loại World Cup 2022.
Bóng đá nói riêng, khép lại một năm thành công rực rỡ của thể thao Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Bóng đá nói riêng, khép lại một năm thành công rực rỡ của thể thao Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Sự phát triển của một nền thể thao không được định lượng bằng những gì đang có, mà thường nằm ở sự kỳ vọng. Nền thể thao càng mạnh, thì mục tiêu càng lớn, thậm chí nằm ngoài những giới hạn của bản thân. Thể thao Việt Nam hiện nay, trong khuôn khổ hẹp của một số môn thể thao, đã bắt đầu hiện thực hóa những cái từng chỉ có trong giấc mơ. Mục tiêu giành vé dự World Cup ở cả đội tuyển bóng đá nam lẫn nữ là một ví dụ. 

Nhưng cũng phải thừa nhận thể thao Việt Nam hiện đang vươn lên chủ yếu nhờ những tố chất nổi trội về sự thông minh, bền bỉ và phẩm chất tinh thần Việt Nam trong nỗ lực tập luyện, thi đấu. Các VĐV của chúng ta vẫn chịu các bất lợi khó thay đổi về thể hình. Không thể mãi lấy ưu thế tinh thần để bù đắp cho sự thua kém về hình thể, nhất là ở những cuộc đấu tầm cỡ Olympic hay World Cup, nơi mà các đối thủ có lẽ cũng không thiếu khát vọng chiến thắng. 

Thể thao Việt Nam xứng tầm vị thế ảnh 1 Bóng đá nói riêng, khép lại một năm thành công rực rỡ của thể thao Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Muốn thay đổi được trình độ chuyên môn, bên cạnh các phẩm chất của cá nhân VĐV, quan trọng nhất vẫn là điều kiện tập luyện. Giải pháp quen thuộc nhiều năm qua là ra nước ngoài tập huấn, nhưng điều này đồng nghĩa với sự tốn kém ngân sách, buộc VĐV phải hy sinh nhiều hơn, chưa kể rắc rối liên quan đến những chuyến xuất ngoại. Có cơ sở vật chất hiện đại ngay trong nước không chỉ giúp cho VĐV phát triển tài năng, mà còn là động lực cho các HLV, người làm nghề được tiếp cận tại chỗ những công nghệ mới trong thi đấu. 

Philippines nhận đăng cai SEA Games 30, tức là chỉ sau kỳ đăng cai gần nhất (SEA Games 23) 14 năm, vì họ có mục đích riêng, đó là xây dựng khu liên hợp thể thao mới (New Clark City Complex) nhằm phục vụ cho kế hoạch xin đăng cai Asiad 2030, đồng thời tạo điều kiện cho VĐV của họ tập luyện trước Olympic 2020. Trong khi đó, khi đăng cai SEA Games 31 sắp đến, Việt Nam vẫn đang sử dụng cơ sở vật chất cũ từ năm 2003. Tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, ngoài đường đua F1 vừa được xây dựng thì chưa có thêm cơ sở thể thao nào mới. Trong khi đó, khu liên hợp Rạch Chiếc thì đang thu hẹp quy mô và cũng chưa biết khi nào khởi công.

Luôn có những tranh cãi quanh việc đầu tư cho các cơ sở thể thao quy mô lớn, chủ yếu là ngân sách xây dựng và năng lực khai thác. Nhưng trên thực tế, 2 yếu tố này thường không song hành với nhau. Với dân số gần 100 triệu người, bóng đá lại là môn thể thao số 1, nhưng hiện nay sức chứa lớn nhất của một sân vận động tại Việt Nam chưa đến 40.000 chỗ (sân Mỹ Đình). 

Trong tốp 20 nền bóng đá lớn nhất châu Á, sân nhà của đội tuyển Việt Nam có sức chứa ít nhất. Chưa kể, hiện ở Việt Nam cũng chỉ có sân Mỹ Đình là đủ điều kiện để tổ chức một trận đấu tầm thế giới. Tại TPHCM, một đô thị hơn 10 triệu dân nhưng sân Thống Nhất chỉ có sức chứa 15.000 người và không thể nâng cấp. Xây một sân bóng có sức chứa lớn, một khu liên hợp thể thao hiện đại, một nhà thi đấu đa năng tầm thế giới… thì không thể đặt nặng yếu tố khai thác. Ở đâu cũng vậy, sân vận động các quốc gia mỗi năm cũng chỉ tổ chức chục trận đấu chứ không hơn. Sân có 100.000 chỗ ngồi họa hoằn mới được lấp kín chứ không thể lúc nào cũng phải bán hết vé. Nhưng các cơ sở vật chất ấy phản ánh được sức sống của đô thị, của nền kinh tế và của khát vọng phát triển không chỉ riêng lĩnh vực thể thao. Ở nhiều nơi, đó còn là biểu tượng quốc gia và là nền tảng nếu muốn tham gia đăng cai các sự kiện tầm vóc châu lục, thế giới trong tương lai. 
Thể thao Việt Nam xứng tầm vị thế ảnh 2 Sân vận động Mỹ Đình là nơi duy nhất tổ chức các trận đấu quan trọng của bóng đá Việt Nam hơn 15 năm qua. Ảnh: PHÚC NGUYỄN
Ở góc độ hẹp hơn, đó là “ngôi nhà chung” của người làm thể thao. Các đội tuyển có thể tập trung dài hạn, tiếp cận được công nghệ, làm quen điều kiện thi đấu hiện đại; về lâu dài, giảm được chi phí cho các chuyến tập huấn nước ngoài. Như vậy, việc lãng phí hay không lãng phí không thể đo đếm bằng yếu tố tài chính, mà là từ thành tích thi đấu trong tương lai hoặc vị thế Việt Nam trên bản đồ thể thao thế giới. Thể thao Việt Nam ngày một vững chắc trên đỉnh cao Đông Nam Á, đang nhắm vào tốp 10 tại Asiad và cũng đã đạt kỳ tích ở Olympic, nhưng thực tế là hệ thống hạ tầng thể thao, từ vật chất đến con người, tài chính lại nằm ở mức thấp nhất. Điều đó trói buộc nền thể thao vào tính nghiệp dư, thiếu tư duy đột phá.

Nhưng không thể cứ ăn đong. Muốn đi Olympic, muốn đá Asian Cup và World Cup thường xuyên thì bản thân nền thể thao cũng phải tiếp cận những tiêu chuẩn tương đương. Thế nên, đằng sau sự phát triển về thành tích cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để thể thao đi vào đời sống người dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế và vị thế của đất nước.

Tin cùng chuyên mục