Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9:

Thể thao Việt Nam xác lập vị thế xứng đáng

Từ một nền thể thao chịu nhiều khó khăn do hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh, chỉ một thời gian không dài, Việt Nam đã vươn mình vào tốp 15 nền thể thao mạnh nhất châu Á, đứng thứ 2 tại Đông Nam Á, thể hiện ý chí và tinh thần quật cường của một quốc gia.

Không có nhiều quốc gia trên thế giới mà sự quan tâm dành cho công tác TDTT lại được chú trọng như Việt Nam. Toàn bộ các tỉnh thành đều có cơ quan chuyên trách quản lý thể thao. Điều này đối với các nền thể thao chuyên nghiệp thì rất bình thường, nhưng với một quốc gia trải qua những khó khăn chiến tranh thì rất đặc biệt.

Thể thao Việt Nam vừa phát triển thêm bề sâu, với những trung tâm huấn luyện quốc gia được thành lập ở các thành phố trực thuộc trung ương, chuyên đào tạo nhân tài phục vụ cho hoạt động thi đấu quốc tế. Ở bề rộng, đa số các môn thể thao Olympic được phát triển tại địa phương, trong môi trường học đường. Các trung tâm thi đấu và huấn luyện bề thế được đầu tư xây dựng để người dân có cơ sở vật chất tập luyện, đồng thời cũng dễ phát hiện tài năng.

Chúng ta đã mạnh dạn chọn con đường khó khăn nhất, đó là định hướng đầu tư vào các môn thể thao trọng tâm, chọn con đường xã hội hóa để tiếp cận thật nhanh với nền thể thao chuyên nghiệp của thế giới. Tầm nhìn dài hạn ấy đã tạo nên khát vọng mạnh mẽ trong cộng đồng những người làm thể thao. Các VĐV của chúng ta, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng tập luyện và thi đấu với tinh thần quyết tâm, tính chuyên nghiệp cao nhất. Điều đó đã tạo nên bước nhảy vọt, có thể xem là cú “vươn vai của Phù Đổng”.

Đơn cử như tại SEA Games 28 diễn ra ở Singapore năm 2015, đoàn thể thao Việt Nam có đến hơn 85% trong tổng số 73 huy chương vàng giành được thuộc về nhóm môn Olympic. Sang năm 2016, thể thao nước nhà đón hàng loạt tin vui khi có tới 23 suất đạt chuẩn tham dự Olympic Rio 2016. Tại sân chơi đẳng cấp thế giới này, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lần đầu tiên bước lên bục vinh quang của thể thao thế giới khi giành HCV ở môn bắn súng. Đến SEA Games 2017, đội tuyển điền kinh Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử thi đấu đã vượt qua đội tuyển điền kinh Thái Lan tại kỳ SEA Games 29, vươn lên đứng đầu bộ môn điền kinh với 17 HCV. Đặc biệt, đầu năm 2018, ngay trước thềm Tết Nguyên đán, đội tuyển U23 Việt Nam đã làm hàng triệu người hâm mộ trên khắp đất nước hình chữ S hân hoan đến cuồng nhiệt trước thành tích lần đầu tiên lọt vào trận chung kết, giành ngôi á quân giải vô địch bóng đá U23 châu Á diễn ra tại Trung Quốc, sau đó là tốp 4 ở Asian Games và đặc biệt là thành tích tốp 8 châu Á ở Asian Cup.

Thành công của thể thao Việt Nam là kết quả từ các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, hỗ trợ cho thể thao nhiều năm qua, đặc biệt là Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 3-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020”. Đây được coi là một “làn gió” mới giúp thể thao nước nhà ngày càng vững bước trên các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới.

Tin cùng chuyên mục