Thể thao Việt Nam thành công về phương diện thành tích

Xét về thành tích huy chương, tại SEA Games 31, Đoàn thể thao Việt Nam đã đạt thành công nhất trong các lần đã tham dự Đại hội thể thao khu vực kể từ khi hội nhập trở lại với đấu trường khu vực Đông Nam Á. Trước khi SEA Games 31 tranh tài, không ai dám tin, chủ nhà Việt Nam vượt lên giành được hơn 200 tấm HCV trong 40 môn thể thao đã thi đấu.

Thể thao Việt Nam đã thành công về thành tích huy chương tại SEA Games 31, đây là điều mừng cho người hâm mộ nước nhà. Ảnh: NHẬT ANH
Thể thao Việt Nam đã thành công về thành tích huy chương tại SEA Games 31, đây là điều mừng cho người hâm mộ nước nhà. Ảnh: NHẬT ANH

Nhiều huy chương là thành công

Chúng ta giành tổng thành tích 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ trong 40 môn thể thao đã thi đấu. “Qua thực tế thi đấu, đoàn thể thao Việt Nam giành 205 HCV đã vượt trội với đoàn Thái Lan (92 HCV) xếp thứ 2 trên bảng tống sắp huy chương. Chúng ta vượt hơn 100 HCV so với Thái Lan. Điều đó là một bất ngờ. Khi bộ phận chuyên môn rà soát lại các nội dung thi đấu, chúng tôi đã xem xét rất kĩ lưỡng. Các nội dung được tổ chức một cách sòng phẳng, thi đấu công bằng”, Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 – ông Trần Đức Phấn khẳng định.

So với các kết quả mà chúng ta đã đạt được tại 3 kì SEA Games gần nhất, trước khi tổ chức SEA Games 31-2021, là SEA Games 2015 tại Singapore (Việt Nam đạt 73 HCV, đứng hạng 3); SEA Games 2017 tại Malaysia (59 HCV, hạng 3); SEA Games 2019 tại Philippines (98 HCV, hạng 2), thành tích ở SEA Games 31 trên sân nhà của thể thao Việt Nam thật sự vượt trội.

Khán giả cổ vũ hết mình cho các đội tuyển thể thao tại SEA Games 31, đó là thành công của Ban tổ chức chủ nhà Việt Nam. Ảnh: NHẬT ANH

Sẽ có nhiều lý giải về sự thăng hoa này, dựa trên thực tế, tất cả các môn quan trọng của thể thao Việt Nam đều giành số HCV vượt hơn chỉ tiêu đề ra. “Tôi thấy rằng, thành tích cũng xuất phát từ sự chuẩn bị chuyên môn. Hai năm qua các em VĐV không được thi đấu do ảnh hưởng Covid-19 và khi họ được thể hiện ở SEA Games 31 trên sân nhà, tất cả nỗ lực đạt thành tích cao nhất”, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh từng phân tích.

Nhiều huy chương đã thật sự mạnh?

Thông qua những con số huy cương, chúng ta thấy được các tuyển thủ Việt Nam đã nỗ lực. Với 205 HCV và 125 HCB có nghĩa là tuyển thủ Việt Nam đã lọt vào chung kết 330 nội dung để tranh chấp những tấm huy chương cao nhất. Tổng số nội dung thi đấu tại SEA Games 31 là 523 nội dung. Rõ ràng, đây là một chỉ số đáng ngưỡng mộ với thể thao Việt Nam.

Những tấm HCV luôn mang lại một giá trị tinh thần lớn cho các tuyển thủ trong lần dự SEA Games 31 trên sân nhà. Ảnh: NHẬT ANH

Mặc dù vậy, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế, nhiều nội dung thi đấu trong các môn đã tranh tài SEA Games 31 lần này có số lượng VĐV đăng kí ít, do đó nếu thấy một nội dung tranh tài chỉ có 3 hay 4 quốc gia tham dự là không bất ngờ. Điều này còn diễn ra với môn quan trọng số 1 là điền kinh và nằm trong một số nội dung chúng ta lên ngôi vô địch như 3000m chướng ngại vật nam, 1500m nữ, 3000m chướng ngại vật nữ, nhảy xa nữ...

Tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh, một trong những gương mặt xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, bộc bạch ngay khi đoạt những tấm HCV trên sân vận động Quốc gia Mỹ Đình “chúng tôi đã nỗ lực hết mình trong tập luyện và thi đấu. Kết quả HCV trên sân nhà là niềm tự hào và vinh dự cho tất cả VĐV đã tham dự SEA Games 31. Chúng tôi ra sân thi đấu là hết mình vì màu cờ sắc áo”. Sự chia sẻ của Nguyễn Thị Oanh là đúng bởi 951 tuyển thủ dự SEA Games 31 lần này, ai cũng kì vọng mình đạt được một dấu ấn của sự nghiệp. Dù thực tế, có những tuyển thủ không thành công trên sân đấu hoặc có những người chưa thể được cơ hội xỏ giầy hay khoác áo đấu ra sân khi nằm ở danh sách dự bị chuẩn bị.

“Để tập trung cho một số môn thể thao, SEA Games 31 là kết quả của hiện tại để hướng tới mục tiêu trong quạn trong tương lai gần. Chúng ta có thể lấy được 10 HCV ASIAD nếu như được đầu tư tốt có điều kiện. Tuy nhiên, việc thực hiện đầu tư phải có nguồn lực và phân chia cụ thể mới hiệu quả. Với SEA Games chúng ta thấy nếu tận dụng nguồn lực xã hội hóa và địa phương là việc đào tạo VĐV thi đấu có thể giành HCV. Nguồn lực nhà nước đầu tư cho ngành thể thao khi đó sẽ hiệu quả hơn khi chỉ dồn sức cho các chương trình ASIAD, Olympic. Thực tế, chúng tôi cũng gặp nhiều hạn chế. Chúng tôi đã khoanh vùng cho từng nhóm thể thao về chiến lược trong đầu tư để có một sự chuẩn bị”, ông Phấn trao đổi thêm.

Tin cùng chuyên mục