Thể thao Việt Nam giành huy chương Olympic là khó

Đó là khẳng định của lãnh đạo Tổng cục TDTT về công tác chuẩn bị chuyên môn thành tích cao ít nhất trong 2 năm tới và những mục tiêu lâu dài hơn.

Thể thao Việt Nam vẫn khó khăn với các mục tiêu Olympic dù chúng ta có kỳ vọng ở môn cử tạ. Ảnh: NHẬT ANH
Thể thao Việt Nam vẫn khó khăn với các mục tiêu Olympic dù chúng ta có kỳ vọng ở môn cử tạ. Ảnh: NHẬT ANH

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đưa quan điểm, việc giành những tấm huy chương Olympic tại Olympic Paris (Pháp) 2024 là khó với thế thao Việt Nam nhưng chúng ta phải có sự chuẩn bị “chân đế” vững chắc, lâu dài chứ không thể nóng vội, sớm.

“Với quan điểm cá nhân của tôi, trước mắt chúng ta phải có áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong tập huấn, huấn luyện thể thao. Như chúng ta thấy, cơ sở vật chất tại các Trung tâm HLTTQG hiện phải có sự đầu tư thêm thì các tuyển thủ của đội tuyển quốc gia được tập luyện đúng nghĩa là quốc gia. Về điều này, nguồn lực là rất lớn từ nhà nước và kết hợp nguồn xã hội hóa đồng hành”, ông Đặng Hà Việt chia sẻ.

Ông Việt cũng phân tích, với đấu trường ASIAD 2022, thể thao Việt Nam phải tính toán cụ thể con người và nội dung để có thể tranh chấp thành tích cao nhất và không ngoài những nội dung ở hạng cân nhỏ mà chúng ta có tiềm lực. Trong trường hợp bơi lội, ông Đặng Hà Việt cho rằng lúc này tranh chấp huy chương ASIAD với tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng (cự ly 1.500m tự do) nhưng đó là dự báo trước mắt bởi mỗi năm có sự vận động thay đổi nên kế hoạch chuẩn bị và rà soát lực lượng luôn cần kỹ lưỡng.

Trong bài toán về thành tích Olympic tới đây tại Paris (Pháp), Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho rằng khả năng giành huy chương của thể thao Việt Nam là khó. “Ngành thể thao có sự rà soát chuyên môn về con người và nội dung để nhắm cho sự chuẩn bị lực lượng nhưng chúng ta phải nhìn nhận giành huy chương Olympic là không dễ. Thể thao là sự vận động, chúng ta có tuyển thủ hy vọng ở môn như cử tạ nhưng phải có sự tập trung tổng thể tốt nhất. Không phải cứ tất cả dồn sức cho một con người là có nghĩa sẽ giành được huy chương Olympic vì thể thao cần chiến lược và đầu tư bài bản, khoa học, áp dụng các phương tiện kỹ thuật”, ông Đặng Hà Việt phân tích cụ thể.

Vào lúc này, Tổng cục TDTT là đơn vị thực hiện chính việc lên các Đề án Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045; Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2022-2045; Đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT... Khi các Đề án được trình cấp lãnh đạo và phê duyệt, lúc đó các chương trình được thực hiện để hoàn thiện nhất những mục tiêu đề ra.

Liên quan tới vấn đề quyết toán các chế độ đối với trọng tài, người tham gia công việc tại SEA Games 31 còn chậm thì lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết công tác quyết toán sẽ thực hiện theo quy định tài chính và phải đảm bảo việc kiểm soát chi. Khó khăn ở chỗ là cần phải có đầy đủ những thông tin của các trọng tài, người tham gia công việc SEA Games 31 từ nước ngoài chuyển về Việt Nam thì mới chuyển tiền qua tài khoảng nhưng các khâu phải thực hiện đúng quy định. Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết việc quyết toán thực hiện theo chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL và sẽ sớm hoàn tất các công việc.

Tin cùng chuyên mục