Thể thao trí tuệ

Sự kiện nữ kỳ thủ 15 tuổi Bạch Ngọc Thùy Dương lên ngôi vô địch Giải cờ nhanh thế giới lứa tuổi U.16 cách đây vài ngày chỉ góp phần tô vẽ cho môn thể thao trí tuệ của Việt Nam thêm đẹp và đáng nể trọng, chứ không hẳn là câu chuyện cổ tích ở thời hiện đại. Điều này dễ hiểu, bởi lẽ xưa nay, cờ vua Việt Nam vốn có truyền thống vô địch thế giới ở các lứa tuổi từ nhi đồng đến thiếu niên và trẻ.

Các đại kiện tướng và kiện tướng quốc tế Hoàng Thanh Trang, Nguyễn Anh Dũng, Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Hoàng Thị Bảo Trâm, Nguyễn Thanh An, Nguyễn Anh Khôi… đã tiếp bước và giữ cho ngọn lửa truyền thống đó hừng lên, duy trì theo năm tháng, tạo ra những điểm nhấn và danh tiếng cho làng cờ vua Việt Nam suốt thời gian qua.

So với các cường quốc về cờ vua trên thế giới như Nga, Hungary, Ấn Độ..., sức cờ của các kỳ thủ xứ ta không hề thua kém. Thậm chí, ở nhiều giải đấu quốc tế, không ít “cao thủ” đã nếm trải thất bại cay đắng trước những nước cờ đầy biến ảo và thông minh của Quang Liêm, Trường Sơn, Thanh An. Thành ra, khi cờ vua Việt Nam “phó hội” bằng bất cứ lực lượng nào, từ lứa nhi đồng cho đến cấp đội tuyển, dứt khoát luôn có sự nể trọng trong ánh mắt của bạn bè khắp nơi. Đấy là điều hãnh diện.

Cờ vua Việt Nam trước đây từng “xuất khẩu” kỳ thủ Hoàng Thanh Trang, để rồi cô trở thành trụ cột cho đội tuyển Hungary, đồng thời lọt vào bảng xếp hạng những đại kiện tướng quốc tế hàng đầu thế giới ở bảng nam.

Tài năng Lê Quang Liêm có thời gian khoác áo thi đấu cho các CLB của Mỹ, Ấn Độ và tưởng chừng đã chuyển hẳn sang thi đấu cho cờ vua xứ cờ hoa. Các kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Thanh An, Bảo Trâm từng ít nhất một lần trong sự nghiệp được những quốc gia khác mời về khoác áo đấu… Điều đó càng chứng tỏ tiềm năng của cờ vua Việt Nam rất lớn và luôn có tính kế thừa thế hệ kỳ thủ khá hoàn hảo.

Thể thao trí tuệ ảnh 1 Kỳ thủ Bạch Ngọc Thùy Dương vừa vô địch lứa tuổi U.16 thế giới
Cờ vua Việt Nam mặc dù đã tìm được chỗ đứng trong làng cờ thế giới, tạo nên một giá trị khá đặc biệt trong làng thể thao nước nhà, thì trong mắt của nhiều người đấy thực chất chỉ là một môn thể thao thiên về so tài trí tuệ, mang tính chất giải trí đặc biệt chứ không thể hiện sức mạnh, sự khéo léo hay tốc độ như nhóm môn thuộc hệ thống thi đấu chuẩn của Olympic.

Chính vì thuộc nhóm môn thể thao trí tuệ (cùng với cờ tướng, cờ vây, cờ cá ngựa, lập phương Rubik, Shogi…), nên cờ vua lâu nay luôn nằm trong diện tổ chức cũng được mà bỏ cũng không sao ở các kỳ đại hội thể thao lớn nhỏ, từ SEA Games đến Asiad và đặc biệt không được xem xét đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Olympic.

Muốn tạo nên sự ảnh hưởng lớn hơn đối với thể thao thế giới đang phát triển theo hướng hiện đại và vô cùng năng động, nhưng cờ vua, với bản chất chậm rãi và đầy tính toán của mình, khó mà tìm được chỗ đứng thực sự so với những môn thể thao đặc thù và giàu tính tranh chấp, từ lúc khai cuộc đến khi kết thúc như điền kinh, bơi lội, võ thuật, bóng rổ, bóng đá…

Có lẽ, cờ vua cứ nên hùng cứ ở thế giới riêng của mình, theo đúng phong cách của một môn thể thao trí tuệ, chứ chẳng nên theo đuổi tham vọng không phù hợp làm gì.

Tin cùng chuyên mục