Thể thao TPHCM cần những nguồn lực xã hội chung sức

Thể thao TPHCM đang có những kế hoạch phát triển về nguồn lực con người ở nhiều môn thể thao quan trọng và nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ tập luyện, thi đấu thể thao. Trên hết, ngoài ngân sách của Nhà nước thì việc tìm nguồn xã hội hóa đồng hành vô cùng quan trọng và thiết thực.

Thể thao TPHCM đang tiến tới thu hút các nguồn xã hội hóa để đầu tư thêm vào các công trinh thể thao nhằm có những cơ sở vật chất cho tập luyện, thi đấu và tổ chức giải thể thao trong nước, quốc tế. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thể thao TPHCM đang tiến tới thu hút các nguồn xã hội hóa để đầu tư thêm vào các công trinh thể thao nhằm có những cơ sở vật chất cho tập luyện, thi đấu và tổ chức giải thể thao trong nước, quốc tế. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Có nguồn lực xã hội sẽ mở ra nhiều cơ hội

Cuộc làm việc giữa lãnh đạo Sở VH-TT TPHCM cùng lãnh đạo Tổng cục TDTT trong ngày 8-6 vừa qua tại Hà Nội đã chia sẻ nhiều nội dung quan trọng về các công tác của ngành thể thao tại thành phố mang tên Bác.

Đơn cử, đại diện Sở VH-TT TPHCM bày tỏ rằng tới đây sẽ thực hiện thí điểm xã hội hóa một số công trình TDTT của thành phố như Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT TPHCM cùng Dự án Trung tâm TDTT Thống Nhất. Đây là 2 chương trình được xem như tiên phong, tạo ra sự đột phá trong công tác xã hội hóa TDTT nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước cũng như kích cầu, thu hút một nguồn lực lớn người dân tham gia tập luyện, thụ hưởng các hạng mục công trình TDTT của lĩnh vực thể thao tại TPHCM.

Phải nhìn nhận thực tế cơ sở vật chất không cũ kĩ và khang trang thì mới tạo được điều kiện tập luyện tốt nhất cho HLV, VĐV thể thao thành tích cao. Hiện lúc này, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT TPHCM vẫn đang được nằm trong các công trình cải tạo lại từ trường đua Phú Thọ cũ nên qua nhiều năm sử dụng đã sự xuống cấp. Đại diện Sở VH-TT TPHCM cũng chia sẻ, “ngành thể thao của thành phố hiện đang rất thiếu sân bãi, nhà tập luyện và thi đấu. Hàng năm ngân sách vẫn phải chi khá nhiều cho việc thuê không gian tập luyện nhằm đảm bảo các chỉ tiêu thành tích được giao. Cùng với đó, ở thời điểm hiện tại ngân sách TPHCM gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối vốn đầu tư công, đặc biệt là qua 2 năm liên tiếp ảnh hưởng dịch Covid-19 do đó khả năng cân đối và bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư công là rất khó và mất nhiều thời gian”.

Hẳn nhiên, kêu gọi được các nguồn lực xã hội cùng điều kiện cơ sở vốn có cũng như tránh lãng phí các hạng mục công trình công là yêu cầu mà thể thao TPHCM đặt ra. Việc áp dụng thực hiện các chính sách kêu gọi nguồn lực xã hội hóa là phù hợp với thực tiễn.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đưa quan điểm nếu thực hiện tốt thì TPHCM sẽ là địa phương tiên phong trong việc sử dụng (chuyển đổi) tài sản công sang hoạt động dưới dạng hình thức xã hội hóa qua đó tăng nguồn thu cho Nhà nước, và tạo được sân chơi, điều kiện tập luyện TDTT tốt cho người dân. Và, Tổng cục TDTT rất khuyến khích, hỗ trợ cho TPHCM.

Yếu tố con người quyết định thành công

SEA Games 31 là kỳ Đại hội thể thao gần nhất đánh giá về chuyên môn của thể thao TPHCM. Các HLV, VĐV của thành phố giành tổng 42 HCV, 36 HCB, 25 HCĐ. Trong các tấm HCV, VĐV của thể thao TPHCM giành được 16 HCV nội dung cá nhân và 26 HCV nội dung đồng đội. Theo con số tính toán cụ thể, thể thao TPHCM đóng góp khoảng 20% số HCV vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 (tổng 205 HCV).

Đô cử Khổng Mỹ Phượng đã nỗ lực, phá kỷ lục SEA Games, nhưng chưa có được tấm HCV tại SEA Games 31. Ảnh: I.T

Dù vậy, nếu phân tích chuyên môn, thể thao TPHCM vẫn chưa thể mạnh mẽ ở những môn được thể thao Việt Nam xác định là mũi nhọn, nhóm Olympic là điền kinh, bơi lội và cử tạ.

Điền kinh TPHCM đã không có gương mặt nào giành được HCV khi thi đấu SEA Games 31 vừa qua. Với bơi lội, tấm HCV duy nhất thuộc về Lương Jeremie Loic Nino ở nội dung tiếp sức 4x100m trong khi thi đấu cử tạ, tuyển thủ của TPHCM cũng không giành được HCV (Thạch Kim Tuấn không thi đấu trong khi Khổng Mỹ Phượng vượt kỷ lục SEA Games nhưng chỉ giành HCB). Sau SEA Games 31, đội bơi Việt Nam tiếp tục thi đấu giải vô địch thế giới 2022 ở Hungary nhưng đáng tiếc trong đội hình 9 tuyển thủ góp mặt không có VĐV của TPHCM.

Có nhiều lý giải về sự chưa thành công của thể thao TPHCM tại nhóm môn mũi nhọn quan trọng nhất mà mọi người luôn chú ý này. Tuy nhiên, tựu chung lại vẫn nằm ở yếu tố con người. Khép lại SEA Games 31, thể thao Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị lực lượng hướng tới nhiều giải quốc tế có xét suất Olympic hoặc xét chuẩn Olympic Paris (Pháp) 2024 từ cuối năm nay vì thế các HLV, VĐV thể thao TPHCM nói riêng cũng phải nỗ lực hết mình trong guồng vận động chung này.

Tin cùng chuyên mục