Thể thao là không khoảng cách

Không khí khán đài của môn võ kurash và pencak silat khiến mọi người đi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác bởi sự cổ vũ quá sôi động và nhiệt thành.

CĐV cổ động nhiệt tình cho tuyển thủ pencak silat. Ảnh: ĐỖ TRUNG
CĐV cổ động nhiệt tình cho tuyển thủ pencak silat. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Nhà thi đấu Bắc Từ Liêm ngay từ 9 giờ sáng 10-5, đông đảo khán giả ngồi kín khán đài chờ khai cuộc nhưng phải tới 11 giờ, các trận đấu mới diễn ra nên sự bồn chồn của tất cả là dễ hiểu. Tuy thế, khán giả chủ nhà Việt Nam vẫn chịu khó nán lại để theo dõi đủ các trận đấu của nội dung biểu diễn trong ngày.

Lần đầu được đến nhà thi đấu để xem môn thể thao của SEA Games 31 tranh tài, nhóm bạn Nam, Hương và Phúc rủ nhau đi thật sớm. Kì thực họ rất ngại tiếp xúc, chia sẻ bởi tất cả đều là những bạn trẻ không may bị khiếm thị. Tuy thế, Hương rất hào hứng bảo rằng “chúng tôi không xem được nhưng nghe qua tiếng cổ vũ và có điện thoại cầm tay chỉ nghe tiếng tường thuật là cảm nhận được không khí rồi”.

Thể thao là không khoảng cách ảnh 1 Bài biểu diễn của võ sĩ Việt Nam. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Rồi mỗi khi có tiếng hét lớn, tiếng đập gậy của binh khí, người bạn trẻ này lại quay sang hỏi tôi “đang có chuyện gì thế”. Và dĩ nhiên, chúng tôi cùng những người xung quanh không ngần ngại chia sẻ ngọn ngành cho từng người họ các hoạt động đang diễn ra và cả điểm số khi thi đấu.
“Tôi không biết gì môn pencak silat cả, nhưng có vận động viên Việt Nam là cổ vũ thôi”, người bạn tên Nam chia sẻ. Hóa ra, họ đều là những người mê thể thao và quyết tìm được lịch thi đấu rồi người bắt xe buýt, người thuê xe grab chở mình tới nhà thi đấu Bắc Từ Liêm từ rất sớm.
Thể thao là không khoảng cách ảnh 2 Nguồn động viên rất lớn từ các khán đài là chỗ dựa tinh thần cho các VĐV Việt Nam thi đấu. Ảnh: ĐỖ TRUNG
“Tiếc quá khi chúng tôi tới sớm và phải chờ, hy vọng lần sau mình sẽ tìm lịch tốt hơn”, Nam vui vẻ trò chuyện. Khi chúng tôi mách họ rằng có thể tìm thông tin chi tiết trên trang thông tin của Ban tổ chức SEA Games 31, cả nhóm bạn hồ hởi bảo rằng may quá bây giờ mới nắm được lịch thi đấu.

Nhà thi đấu Hoài Đức (Hà Nội) không một chỗ trống khi khán đài được Ban tổ chức địa phương huy động các em học sinh trường THPT Bình Minh và THCS Nguyễn Văn Huyên tới cổ vũ các võ sĩ thi đấu. Chương trình được đoàn thanh niên huyện đoàn Hoài Đức tổ chức.

Các khan giả nhỏ tuổi cổ vũ tại nhà thi đấu Hoài Đức (Hà Nội) ở môn kurash. Ảnh: MINH CHIẾN

Lần đầu đi xem thể thao, Vũ Văn Trung của lớp 6A trường THCS Nguyễn Văn Huyên bảo “cháu cổ vũ cho tất cả các anh, chị thi đấu trên sàn. Cứ ai chiến thắng là mình cổ vũ hết mình”. Trong khi đó, cậu bạn Minh Quý ngồi cạnh Văn Trung lại bảo “cháu chỉ cổ vũ cho các anh Việt Nam vì mình là khán giả nhà phải cổ vũ cho người nhà”.

Không khí sôi động của nhà thi đấu Hoài Đức hẳn thế mà rộn ràng hơn bởi những tiếng vỗ tay, hèo reo hết mình từ đám trẻ thật tươi khỏe. Quan trọng hơn cả, họ cổ vũ trong sáng cho tất cả chứ không thiên vị ai.

Tin cùng chuyên mục