Thầy ngoại, thầy nội

Trong lúc HLV Nguyễn Hữu Thắng đang loay hoay tìm chiếc vé đến dự vòng chung kết (VCK) giải U23 châu lục 2018, thì năm 2016 HLV Toshiya Miura từng mạnh mẽ tính đường lọt vào tứ kết ngay lần dự VCK đầu tiên.

 
Thầy trò HLV Hữu Thắng vẫn cứ thích lặn ngụp trong ao làng không hơn không kém. Ảnh: Minh Hoàng
Thầy trò HLV Hữu Thắng vẫn cứ thích lặn ngụp trong ao làng không hơn không kém. Ảnh: Minh Hoàng

Có sự trùng hợp ngẫu nhiên là tại vòng loại U23 châu Á 2016, thầy trò ông Miura nằm ở bảng I (cùng Nhật Bản, Malaysia và Macau), tương tự như lúc này U22 Việt Nam cũng nằm tại bảng I (với Hàn Quốc, Đông Timor và Macau). Ngày đó, đội tuyển U22 đã chơi khá ổn rồi nằm trong top 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất vòng loại, và đến được ngày hội bóng đá trẻ tổ chức ở Qatar.

Cái hay của HLV người Nhật là các học trò mới lần đầu dự VCK châu lục, nhưng ông Miura dám đề ra chỉ tiêu kiếm một trong hai suất đầu bảng D nhằm lọt vào tứ kết ở nhóm đấu gồm Jordan, UAE và Úc. Thực tế thì Việt Nam không thể lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất giải, vì không có được những gì tốt nhất trong thời gian giải đấu diễn ra. Dẫu thế, vẫn phải thừa nhận là các cầu thủ đã chơi đầy cố gắng mà ấn tượng nhất là trận cuối đụng UAE trong thế trận cân bằng.

Thời điểm đó, có nhiều ý kiến phản ứng về cách sắp xếp đội hình lẫn chọn lối chơi cho học trò của ông Miura không hợp lý là đúng, nhưng chưa đủ… Nói chưa đủ do hai đối thủ Jordan và Australia có đẳng cấp cao hơn. Hay nói cách khác là trong hai trận đấu đó, nếu ai đấy có giỏi hơn chiến lược gia người Nhật thì cũng chỉ giúp U22 Việt Nam thua ít hơn thôi. Ngược lại, vẫn có ý kiến đánh giá cao ông Miura, trong đó nóng nhất là việc ông dám đề ra chỉ tiêu lấy suất vào vòng knock-out, thay vì hay mang tư tưởng học hỏi mỗi lần ra sân chơi châu lục.

Giờ thì ông thầy xứ Nghệ cũng tính đường đến Trung Quốc để góp mặt tại VCK. Thế nhưng ai cũng ngầm hiểu, mục tiêu tối thượng của làng cầu nội trong năm 2017 là chiếc huy chương vàng SEA Games 29 mà vòng loại U23 châu Á tới đây tại TPHCM được coi là bước đệm hơn là dốc hết vốn đổ vào.

HLV Miura đến từ nền bóng đá Nhật Bản hàng đầu châu lục. Mong ước của ông từ những ngày đầu về cộng tác với VFF không chỉ dừng lại ở các đấu trường Đông Nam Á mà còn hướng đến sân chơi cao hơn ở tầm châu Á. Hoặc ít ra cũng giúp cầu thủ Việt Nam bước ra châu lục mà chẳng phải rụt rè. Chỉ tiếc, ông thầy người Nhật không được thỏa mãn với những điều kiện và mục tiêu mình đề ra. Đấy là lý do khiến ông thường chia sẻ với giới truyền thông quê nhà rằng, bóng đá Việt Nam hay lo nghĩ và vui buồn về chuyện thắng thua ở vài trận đấu của AFF Cup hoặc SEA Games mà không chịu hướng đến cột mốc xa hơn. Ngược lại, phía HLV Hữu Thắng thì được hậu thuẫn đủ đường vẫn cứ lặn ngụp trong ao làng không hơn không kém.

Từ chuyện thầy ngoại đến thầy nội đã cho thấy khác nhau nhiều thứ.

Tin cùng chuyên mục