Thành trì sụp đổ

10 năm kể từ thất bại 1-6 trước Man.City ngay tại Old Trafford, tròn 1 năm sau trận thua 1-6 trước Tottenham, “nhà hát của những giấc mơ” đã “tổ chức kỷ niệm” bằng tấn bi kịch 0-5 trước Liverpool. 
Thủ thành De Gea (Man.United) thất vọng giữa niềm vui của cầu thủ Liverpool
Thủ thành De Gea (Man.United) thất vọng giữa niềm vui của cầu thủ Liverpool

Nhưng lần này, nỗi đau đớn, tức giận và tổn thương hơn rất nhiều. Nếu trận thua Man.City vì quá coi thường đối phương, thua Tottenham vì bị mất người quá sớm, thì lần sụp đổ này không còn gì để biện minh. Man.United đã thua Liverpool không chỉ trên tỷ số, mà còn ở tư cách của một đội bóng có đẳng cấp, sau pha vào bóng đầy tính triệt hạ của Paul Pogba.

Vì sao Man.United lại dễ dàng sụp đổ từ hiệp 1 với 4 bàn thua liên tiếp? Cũng dễ hiểu, bởi lẽ Liverpool đang quá mạnh, có Salah siêu đẳng, còn Man.United ảo tưởng mình vẫn còn ngang bằng với đối thủ nên cứ lao lên sau mỗi bàn thua để rồi chỉ nhận về nỗi ê chề lớn hơn. Cũng có thể vì hàng phòng ngự của Man.United không ai xứng đáng với chiếc áo mà họ đang mặc, trong khi HLV Solskjaer không còn khả năng sửa chữa.

Nhưng có một điều rất rõ ràng: Tinh thần của các cầu thủ Man.United đang thực sự có vấn đề. Chính HLV Klopp của Liverpool cũng thừa nhận, không nghĩ thắng dễ đến vậy. Man.United thủng lưới 2 bàn ở đầu và cuối hiệp 1, cũng như thêm bàn thua ngay đầu hiệp 2. Họ không có một sự tập trung nào, thay vào đó là sự cẩu thả không thể tha thứ được đối với các cầu thủ có đẳng cấp, nhất là ở trận “derby Anh quốc”. Thông thường, các trận “đại chiến” luôn được xem là “chiến tranh tâm lý”, và đội thắng sẽ có tinh thần mạnh mẽ hơn. Thua như kiểu Man.United, khó mà chấp nhận nổi dù là lỗi của cầu thủ hay HLV.

Đây đã là trận thua thứ 3 trên sân Old Trafford mùa này. Man.United không thay đổi hay chuyển biến gì cả. Lỗi lớn nhất, có lẽ đến từ HLV Solskjaer, người đã gọi trận thua là “ngày đen tối nhất” của ông, nhưng lại không có ý định ra đi dù thừa nhận: “Tôi xin chịu trách nhiệm về trận thua này. Chính tôi đã chọn cách tiếp cận trận đấu này như thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi đã đi cùng nhau một quãng đường khá dài và giờ không phải lúc để từ bỏ”.

Các ông chủ Man.United từng muốn xây dựng kiểu đội bóng như thời Sir Alex Ferguson, mà những người mang “DNA của Man.United” như Solskjaer sẽ là ‘thành trì”. Đó là ý tưởng tốt, phù hợp với những CLB có truyền thống hàng đầu, nhưng vấn đề là thành trì nào cũng có thể lung lay, sụp đổ nếu xây dựng không khéo. 

Sự vất vả của Mikel Arteta tại Arsenal là ví dụ. Hoặc hãy nhìn sang Barca, họ đã để thua trận “siêu kinh điển” với tỷ số 1-2. Đó đã là trận thua thứ 4 liên tiếp trước Real. Đội bóng xứ Catalan ngày càng “túng quẫn” với Ronald Koeman, một người cũng được xem là “mang DNA của Barcelona”. Nhưng cho dù Koeman có yêu quý Barca nhiều đến thế nào thì sự thật vẫn là ông chưa đủ tầm vóc như kỳ vọng. Real Madrid dù không lấn lướt vẫn trừng phạt kình địch bằng những pha phản công đơn giản ngay ở Camp Nou chật kín 82.000 người. Ngay sau trận đấu, một đám đông CĐV đã chửi HLV Koeman, chặn đầu xe của ông, leo lên chụp ảnh, quay phim và đăng lên mạng xã hội. Nhà cầm quân người Hà Lan phải nhờ đến các nhân viên an ninh mới thoát khỏi tình trạng bi đát đó…

Tin cùng chuyên mục