Thăng trầm thể thao miền Tây: Tìm cách… thoát nghèo

Thể thao ĐBSCL xưa nay vẫn luôn được ví là “vựa” cung cấp tài năng cho thể thao Việt Nam ở nhiều môn trọng điểm (điền kinh, bóng đá, bơi lội, bóng chuyền, võ thuật, xe đạp…). Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó có khó khăn về cơ chế, nguồn kinh phí hạn hẹp, hệ thống cơ sở vật chất không đủ đáp ứng nhu cầu cũng như xu thế phát triển, cho nên thể thao ĐBSCL chưa thoát khỏi sự ì ạch.
Giải đua xe đạp Cúp ĐBSCL phải tạm dừng vì thiếu kinh phí. Ảnh: DƯƠNG THU
Giải đua xe đạp Cúp ĐBSCL phải tạm dừng vì thiếu kinh phí. Ảnh: DƯƠNG THU

Khó khăn bủa vây

Đến An Giang, một trong những địa phương giàu truyền thống về thể thao của đồng bằng, lắng nghe Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - thi đấu TDTT tỉnh An Giang Đặng Anh Kiệt tâm sự mới hiểu được nỗ lực lớn đến nhường nào của thể thao địa phương. Ông Đặng Anh Kiệt cho biết: “Thể thao thành tích cao (TTTTC) của An Giang luôn giành được những kết quả đáng khích lệ thời gian qua nhờ công tác tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện ở các tuyến VĐV ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Điều này góp phần nâng cao vị trí cho thể thao tỉnh nhà ở đấu trường khu vực và toàn quốc”. Mới đây, An Giang tổ chức thành công 5 giải thể thao, hội thao khu vực và toàn quốc cho ngành ngân hàng; giải vô địch điền kinh các nhóm tuổi trẻ quốc gia; Tour xe đạp toàn quốc về nông thôn tranh Cúp Hạt Ngọc Trời; giải xe đạp nữ toàn quốc mở rộng tranh Cúp Truyền hình An Giang; Hội thao ngành thông tin và truyền thông khu vực phía Nam...

Song, hiện Trung tâm Huấn luyện - thi đấu TDTT tỉnh An Giang phải luôn cố gắng giải quyết những khó khăn trước mắt. Kinh phí dành cho TDTT ở cơ sở còn thấp, khó khăn trong quy hoạch quỹ đất cho TDTT, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu sinh hoạt, luyện tập, vui chơi giải trí và thi đấu còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động và tổ chức các giải TDTT tại địa phương. Mặt khác, công tác xã hội hóa TDTT dù có chuyển biến, nhưng do điều kiện kinh tế của từng địa phương hạn hẹp nên nhiều nơi vẫn còn trông chờ vào ngân sách nhà nước, chưa huy động hết khả năng đóng góp xã hội hóa tham gia vào hoạt động TDTT như tài trợ, ủng hộ cho các giải thể thao, tổ chức thi đấu, đầu tư cơ sở vật chất...

Chỉ tính riêng tại An Giang, các đội thể thao đã cử trên 800 lượt VĐV tham gia thi đấu 88 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế, đoạt 441 huy chương các loại. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 năm 2018, đoàn thể thao An Giang tham dự 17/36 môn, đoạt 67 huy chương, kết quả xếp hạng 6/65 toàn đoàn. Ngoài ra, An Giang còn đóng góp 4 HLV và 32 VĐV cho các đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia.


Từng là cựu tuyển thủ, đồng thời là HLV đội tuyển bóng bàn Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - thi đấu TDTT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Minh Hiền cho biết: “TTTTC ở Vĩnh Long trong những năm qua được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, các chế độ chính sách đối với VĐV... Từ đó, tạo động lực cho TTTTC phát triển và khẳng định vị thế trên toàn quốc ở một số môn thế mạnh như Taekwondo có VĐV Trương Thị Kim Tuyền đoạt HCV châu Á năm 2017, em cũng là VĐV đầu tiên của Việt Nam giành HCB tại giải vô địch thế giới 2017; VĐV Nguyễn Phan Khánh Hân, Lê Ngọc Hân đoạt HCV châu Á năm 2018, 2019 nội dung quyền Taekwondo; môn bắn cung có VĐV Nguyễn Văn Đầy, Thạch Phi Hùng, Nguyễn Tường Vy đạt HCV Cúp châu Á năm 2019…”. Vĩnh Long còn có cô gái vàng Trần Thị Thanh Chúc từng đoạt HCV tại giải vô địch Vovinam thế giới năm 2009. Chưa kể, Vĩnh Long là một trong 2 địa phương (và Long An) trên cả nước sở hữu 2 đội bóng chuyền thi đấu ở hạng đội mạnh quốc gia là CLB nam Xổ số kiến thiết Vĩnh Long và CLB nữ Truyền hình Vĩnh Long. Ngoài ra, tỉnh còn có cả đội xe đạp 620 Châu Thới Vĩnh Long với sức trẻ đầy triển vọng ở tương lai...

Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển theo dạng thức chuyên nghiệp, việc giữ chân các tài năng thể thao khi hết thời gian hợp đồng là vấn đề nan giải, bởi nguồn kinh phí từ ngân sách của ngành TDTT tỉnh nhà không thể chi trả các chi phí lớn, để duy trì sự phục vụ của VĐV. Cho nên, rất nhiều VĐV xuất sắc của CLB bóng chuyền nam (từng giành HCV Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014), trong đó có chủ công số 1 Việt Nam là Từ Thanh Thuận đã rời khỏi đội, tìm đến môi trường thi đấu mới có tiềm lực tài chính và cơ hội đoạt những danh hiệu cao hơn. Điều đó đã ảnh hưởng đến nguồn nhân lực và thành tích không chỉ của bóng chuyền tỉnh nhà, mà còn đối với cả nền thể thao Vĩnh Long.

Chưa theo kịp xu thế phát triển

Theo ông Đặng Anh Kiệt, hoạt động của một số liên đoàn TDTT còn bị động, chưa phát huy vai trò, còn trông chờ vào sự hỗ trợ về kinh phí nhà nước. Một số liên đoàn đã hết nhiệm kỳ nhưng chậm tổ chức đại hội do khó khăn trong công tác nhân sự. Bên cạnh đó, trình độ của không ít HLV hiện nay chưa đáp ứng kịp xu thế phát triển. Việc áp dụng những tiến bộ khoa học trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV còn nhiều hạn chế. Một số môn thể thao thế mạnh của tỉnh đang có xu hướng chững lại. “So với đề án, các công trình của khu liên hợp đối với cấp huyện và các công trình thể thao đối với cấp xã… thì hiện nay chưa thực hiện được bởi khó về kinh phí cũng như trong quy hoạch quỹ đất ở địa phương. Công tác tham mưu của ngành còn hạn chế, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng mức cho TDTT. Việc đầu tư, phát triển TDTT chưa đáp ứng kịp với nhu cầu hiện nay và thời gian tới”, ông Đặng Anh Kiệt băn khoăn.

Cũng theo người đứng đầu Trung tâm Huấn luyện - thi đấu TDTT tỉnh An Giang, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và cộng đồng xã hội cho phát triển TDTT còn thấp, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của thể thao hiện nay. Cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa chú trọng đầu tư khoa học, công nghệ và y học thể thao. Mức độ đầu tư hiện nay chưa theo kịp nhu cầu phát triển, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thành tích thi đấu giữa các tỉnh trong khu vực, toàn quốc, châu lục và thế giới. Suy ngẫm về thể thao trong khu vực, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tiền Giang Trần Phát Tài tâm sự: “Thể thao ở ĐBSCL rất cần sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương. Bởi tỉnh này mạnh được một vài môn, trong khi tỉnh khác có VĐV, nhưng không phát huy được do cơ sở vật chất kém; vì vậy cần có sự gắn bó để tạo sức mạnh”.

Người hâm mộ thể thao trong những năm qua luôn chờ đợi cuộc đua xe đạp Cúp ĐBSCL diễn ra vào trung tuần tháng 8, thì giới hâm mộ phải hụt hẫng khi năm 2020, phía nhà tài trợ Tập đoàn Lộc Trời đã rút lui, từ đó gây khó cho đơn vị đăng cai không tìm được nguồn kinh phí để tổ chức giải. HLV Nguyễn Huy Hùng, đội 620 Châu Thới Vĩnh Long, hiện là HLV đội tuyển nam xe đạp quốc gia, cho biết: “Giải xe đạp Cúp ĐBSCL hàng năm diễn ra với lộ trình tương đương 1.000km, đi qua các địa phương trong khu vực đã trở thành truyền thống, nhưng năm nay gặp khó khăn từ BTC giải không tìm được nhà tài trợ thay thế, đã ảnh hưởng đến các VĐV tham gia thi đấu, cọ xát và tạo động lực cho thế hệ trẻ học tập, phấn đấu”.

HLV đội bóng đá U21 Vĩnh Long Lương Trung Dân than thở: “Trong suốt 20 năm qua, bóng đá luôn phát triển và đào tạo rất nhiều VĐV trẻ đã từng thi đấu giành thành tích cao tại các giải quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, sân vận động Vĩnh Long chỉ có một mặt sân duy nhất, không thể cùng lúc cho 3 đội bóng đá (đội tuyển, đội trẻ và đội năng khiếu) vào sân một lúc. Tình trạng này không chỉ ở Vĩnh Long, mà đây cũng là cái khó chung của nhiều địa phương khác ở ĐBSCL”. Ông Nguyễn Minh Hiền cho biết, dù gặp không ít khó khăn nhưng Trung tâm Huấn luyện - thi đấu TDTT Vĩnh Long luôn đề ra định hướng TTTTC giai đoạn 2021-2025, sẽ tập trung đầu tư các môn trọng điểm taekwondo, bắn cung, điền kinh, bơi lội, bóng chuyền nam - nữ, xe đạp nam, cầu mây... Ngoài ra, một số môn tăng cường đào tạo trẻ để từng bước tiếp cận trình độ cao như Vovinam, bóng bàn, bi sắt…

Thời gian qua, Liên đoàn Bóng chuyền Vĩnh Long tổ chức giải bóng chuyền quốc tế Cúp Truyền hình Vĩnh Long (kinh phí tài trợ 2,2 tỷ đồng/giải; Liên đoàn Bóng bàn tổ chức giải bóng bàn quốc tế Cúp Phân bón miền Nam (kinh phí tài trợ 1,3 tỷ đồng/giải); Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long tài trợ đội bóng chuyền nam (3,3 tỷ đồng/năm), tài trợ đội bóng đá nam (3,6 tỷ đồng/năm); Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long tài trợ đội bóng chuyền nữ (3,4 tỷ đồng/ năm); Công ty Bê tông 620 Châu Thới tài trợ đội xe đạp nam (trên 1 tỷ đồng/năm)… Sự hỗ trợ xã hội hóa đã giúp cho TTTTC Vĩnh Long được duy trì.

Tin cùng chuyên mục