Tác dụng ngược

- “Hành xác đi – Tác dụng ngược”, tui khoái vụ này nghen!

- Ông nói gì là hành xác rồi phản tác dụng, tui hổng hiểu?
- Vấn đề muốn bàn đến là tại giải vô địch thể thao dưới nước năm 2017 vừa diễn ra tại Hungary. Ở đó Mỹ đã chứng tỏ ưu thế tuyệt đối, trong khi Trung Quốc chỉ gây thất vọng não nề.

- Tui còn nhớ, quốc gia đông dân nhất thế giới từng nêu khẩu hiệu trong thể thao: “Vượt qua người Mỹ” kia mà?

- Thực tế lại không dễ. Mới nhất, tại giải vô địch thể thao dưới nước năm 2017, đoàn Mỹ đoạt 21 HCV so với 12 của Trung Quốc. Còn xét riêng bơi lội, Mỹ áp đảo hơn với con số 18 so với 3. Kết quả này cũng phù hợp với chuỗi thành tích tính từ Ô-lim-píc Rio 2016.

- Trung Quốc từng có thời gian đào tạo VĐV rất khắc nghiệt, với hy vọng làm ông trùm thế giới.

- Đúng vậy. Cách đây 5 năm, một tờ báo đưa ra loạt ảnh bên trong các lò đào tạo thể thao Trung Quốc gây chấn động thế giới. “Dã man”, “tàn nhẫn”… là bình luận của hầu hết độc giả khi xem những bức ảnh các HLV ép trẻ em khổ luyện như tra tấn qua việc bẻ gập người, đạp lên chân, treo trẻ lên xà ngang... 

- Vậy mà kết quả lại chẳng như mong muốn.

- Vấn đề nữa là số lượng học viên nhí của các trung tâm thể thao tại Trung Quốc ngày càng giảm khi phụ huynh không còn mặn mà với việc gửi con đến đây để được đào tạo. 

- Ông có biết nguyên nhân?

- Các phụ huynh ngày càng nhận thức rõ hơn về con đường hà khắc mà các VĐV nhí phải chịu đựng nên phản ứng mạnh. Họ buộc phải thay đổi cơ chế. 

- Thay đổi chứ đào tạo kiểu đó là thua rồi.

- Các phụ huynh cho biết nếu có phương pháp đào tạo chuyên nghiệp, được học hành, ăn nghỉ đàng hoàng may ra còn gửi con mình vào. Bằng không, giới phụ huynh chỉ coi thể thao nhằm bổ trợ cho sức khỏe, thay vì là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời bọn trẻ.

- Trung Quốc sau nhiều thất bại đã “thấm đòn” và nay dần tỉnh ra. Nếu không thay đổi thể thao Trung Quốc đừng mong làm trùm thế giới. 
Tác dụng ngược ảnh 1

Tin cùng chuyên mục