Sự vắng mặt đáng tiếc

Nếu ở Giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam 2021 không có một cầu thủ nào của HAGL xuất hiện trên bục trao giải, là đã tròn 20 năm đội bóng phố núi vắng bóng ở giải thưởng cá nhân quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam. Một sự vắng mặt kỳ lạ và rất đáng tiếc.
HLV Kiatisak chúc mừng sinh nhật tuổi 26 của Công Phượng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
HLV Kiatisak chúc mừng sinh nhật tuổi 26 của Công Phượng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Năm 2016, tiền vệ Lương Xuân Trường đoạt Quả bóng bạc, nhưng thời điểm đó, anh đang khoác áo CLB Incheon (Hàn Quốc). Trong khi đó, 3 năm liên tiếp từ 2014 đến 2016, HAGL có đến 3 danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất. Còn các năm 2003-2004, họ có Kiatisak giành danh hiệu “Cầu thủ ngoại xuất sắc nhất”. Đó là tất cả những gì mà HAGL có tại giải thưởng này.

Vì vậy, họ trở thành nhà vô địch Việt Nam duy nhất từ trước đến nay chưa từng có một cầu thủ nào đoạt danh hiệu QBV, thậm chí là chưa từng có mặt ở tốp 3 danh hiệu. Trong khi đó, CLB Hà Nội sở hữu đến 6 danh hiệu, kế đến SLNA với 4 danh hiệu. Đội bóng từng 4 lần vô địch V-League là Bình Dương cũng có cho mình một QBV của Anh Đức năm 2015, tương tự như trường hợp của Đinh Thanh Trung trong màu áo Quảng Nam năm 2017 và Huỳnh Quốc Anh của SHB Đà Nẵng năm 2012. Rộng hơn, có tổng cộng 16 CLB đã đóng góp cầu thủ vào bản danh sách tốp 3 trong lịch sử QBV Việt Nam, nhưng không có HAGL.

Sự kỳ lạ nằm ở chỗ, HAGL có đến 2 giai đoạn rực rỡ. Đầu tiên là thời kỳ mà người ta gọi họ là “Dream team” từ năm 2003 đến 2009, luôn có mặt trong tốp 3 đội bóng hàng đầu V-League. Kế đến là giai đoạn 2015 đến nay, số lượng cầu thủ HAGL góp mặt trong đội tuyển quốc gia có thời điểm lên đến con số 7. Các cầu thủ như Nguyễn Công Phượng, Tuấn Anh hay Văn Toàn đều luôn được xếp vào hàng ngôi sao bóng đá Việt Nam nhiều năm qua. Vậy nhưng họ vẫn chưa có duyên với giải thưởng uy tín này.

Có vẻ như vấn đề của HAGL nằm ở cái gọi là “giá trị tập thể”. Trong giai đoạn mà họ thống trị V-League, mặc dù tập hợp nhiều ngôi sao nội địa nhưng vai trò của các cầu thủ Thái Lan mà Kiatisak làm đầu tàu quá lớn. Còn ở giai đoạn lứa U19 được đôn lên đá V-League thì thành tích thi đấu của HAGL lại quá kém. Ở 2 mùa giải 2018 và 2019, các cầu thủ Công Phượng và Trần Minh Vương của HAGL chính là những chân sút nội địa ghi nhiều bàn nhất. Họ xứng đáng có mặt trong tốp 3, nhưng vì HAGL luôn rơi vào thế trụ hạng cuối mùa nên các ngôi sao nói trên đều không thể tranh đua với các cầu thủ đến từ Hà Nội hay Viettel. Điều này cũng phù hợp với tiêu chí bầu chọn của giải thưởng QBV Việt Nam, khi luôn đánh giá vai trò cá nhân dựa trên những đóng góp vào tập thể mà cầu thủ đó đang khoác áo.

Và cuối cùng, bóng đá luôn cần có may mắn và các cầu thủ HA.GL dường như lại thiếu điều này. Năm 2021 đội bóng phố núi chơi xuất sắc dưới tài cầm quân của HLV Kiatisak với vị trí dẫn đầu liên tục giai đoạn 1. Họ cũng là đội cung cấp nhiều cầu thủ nhất cho tuyển quốc gia. Nhưng tiếc là V-League bị hủy bỏ, cơ hội vô địch tan biến, cuộc tranh đua chủ yếu nằm ở đội tuyển quốc gia, nơi vẫn còn nhiều ngôi sao cũng được đánh giá cao trong cuộc bầu chọn lần này.

Tin cùng chuyên mục