Sứ mệnh bình đẳng giới của Olympic

Nếu không có sự thay đổi trước khi ngọn đuốc được thắp sang trên SVĐ mới Tokyo vào tối 23-7, Olympic Tokyo 2020 sẽ trở thành kỳ Thế vận hội bình đẳng giới nhất trong lịch sử khi gần một nửa số lượng VĐV tham gia thuộc phái nữ.
Olympic Tokyo 2020 mang thông điệp của bình đẳng giới. Ảnh: FILE
Olympic Tokyo 2020 mang thông điệp của bình đẳng giới. Ảnh: FILE

Nếu Olympic Paris 1900 đánh dấu cột mốc lịch sử với sự xuất hiện của những nữ VĐV đầu tiên thì sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh tổ chức tại Tokyo vào năm 2021 được ví như cuộc cách mạng trong việc thúc đẩy quá trình bình đẳng giới. 

Theo thống kê, nữ giới chiếm đến 49% trong tổng số 11.090 VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020. Thông số này nhiều hơn 4% so với Olympic Rio de Janeiro 2016. Tỉ lệ phần trăm số lượng VĐV nữ đã mang đến dấu hiệu tích cực, kể từ con số 2,2% trong kỳ Olympic đầu tiên có “bóng hồng” tham dự. Đây chính là bước đệm để Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hướng đến kỳ Olympic Paris 2024 sẽ xuất hiện bình đẳng giới hoàn toàn, với lượng VĐV của 2 giới tính cân bằng.

Tăng số nội dung thi đấu có nữ giới

Nhận thức rất rõ tầm quan trọng của nữ giới trong sự phát triển của Olympic và xã hội, IOC đã làm việc tích cực cùng các liên đoàn thể thao quốc tế trong việc điều chỉnh nội dung thi đấu tại vòng loại của các môn, và suất mời nhằm tăng số lượng VĐV nữ đến Tokyo vào năm 2021. ABC News dẫn lời Giám đốc thể thao IOC Kit McConnell: “IOC đã giảm tổng số VĐV từ Rio de Janeiro đến Tokyo, nhưng ngay cả khi giảm thì chúng tôi vẫn tăng số lượng VĐV nữ”.

Sứ mệnh bình đẳng giới của Olympic ảnh 1 IOC hi vọng Olympic Paris 2024 sẽ đạt chỉ số cân bằng về giới tính VĐV. Ảnh: IOC
Nỗ lực tăng cường bình đẳng giới trong thể thao giúp Olympic Tokyo 2020 đánh dấu cột mốc cho lần đầu tiên từng đội tuyển của các môn thi đấu sẽ góp mặt ít nhất 1 VĐV nữ và 1 VĐV nam. Ngoài ra, có 18 nội dung hỗn hợp nam nữ, gấp đôi so với Olympic Rio de Janeiro 2016.

McConnell nói: “Chúng tôi không nghĩ rằng, có điều gì bình đẳng hơn việc nam và nữ thi đấu trong cùng một đội trên cơ sở bình đẳng thực sự”. Đi vào chi tiết, 3 môn boxing, canoeing và rowing sẽ giảm số lượng nội dung thi đấu dành cho nam và bổ sung thêm đối với nữ. Mở rộng số đội tuyển nữ tham dự môn bóng nước lên con số 10, so với 8 suất ở kỳ Olympic trước. 

Tại cự ly 1.500m bơi tự do - nội dung trước đây chỉ dành riêng cho nam - nay đã tạo cơ hội cho nữ tranh tài. Năm môn thể thao lần đầu xuất hiện tại Olympic, gồm karate, trượt ván, leo núi, lướt sóng và bóng rổ 3 đấu 3, tất nhiên sẽ có các nội dung thi dành cho nữ. Cuối cùng là sự trở lại của bóng chày và bóng mềm sau 13 năm gián đoạn.

Điểm nhấn khác được xuất hiện tại lễ khai mạc diễn ra vào tối 23-7, các đoàn thể thao sẽ có 1 VĐV nam và 1 VĐV nữ thay mặt cầm cờ của quốc gia mình. Trong đó, nữ hoàng tốc độ Quách Thị Lan và kình ngư Nguyễn Huy Hoàng vinh dự cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam tại lễ diễu hành. 

Sứ mệnh bình đẳng giới của Olympic ảnh 2 Quách Thị Lan là một trong 2 VĐV cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thông điệp của Olympic 

Olympic Tokyo 2020 mang thông điệp của bình đẳng giới. Vì thế, nữ giới sẽ được xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt trên sóng truyền hình bởi có số lượng nội dung thi đấu chiếm ưu thế so với các nam đồng nghiệp. Một cách quảng bá, ca ngợi hình tượng người phụ nữ đầy khôn khéo đến từ IOC. 

Lãnh đạo IOC McConnell chia sẻ: “Không chỉ mở rộng nội dung thi đấu dành cho nữ, mà chúng tôi còn tìm cách để quảng bá rộng hơn trong việc bình đẳng giới. Olympic là thời điểm mà các nữ VĐV thường nhận được sự quan tâm nhiều nhất”. 

Trong khi  Sarah Axelson - Phó chủ tịch vận động của Tổ chức Thể thao Phụ nữ chia sẻ: “Tại các giải đấu, mức độ phủ sóng của nữ VĐV rất thấp, và tôi nghĩ chỉ có Olympic là ngoại lệ”. Theo báo cáo của Tổ chức Thể thao Phụ nữ vào năm 2017, đã có sự bình đẳng từ các phương tiện truyền thông trong việc đưa tin về các nam. Nữ VĐV tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Những thông tin đầy tích cực này sẽ hứa hẹn mang đến sự bùng nổ nhằm truyền tải những câu chuyện về phái đẹp tại Olympic Tokyo 2020.

Sứ mệnh bình đẳng giới của Olympic ảnh 3 Olympic Tokyo 2020 mở rộng các nội dung thi đấu dành cho phái nữ. Ảnh: AP
Đầu tháng 7, Tổ chức Thể thao Phụ nữ đã công bố một chương trình cam kết hỗ trợ 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng) chi phí chăm sóc con cái cho các bà mẹ - vốn là nữ VĐV chuyên nghiệp đang đi thi đấu. Trong đó, đã có 6 nữ VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020 được hưởng phúc lợi này, mỗi người đầu tiên đã được nhận về 10.000 USD. Tất nhiên, cần nhiều hơn Tổ chức Thể thao Phụ nữ để những nữ VĐV được nhận sự quan tâm, không còn phải chịu đựng sự thiệt thòi, bất công.

Vượt ra khỏi biên giới thể thao, Olympic mang cho mình sứ mệnh kết nối toàn cầu. IOC hi vọng vào việc có nhiều phụ nữ tham gia Olympic sẽ tạo ra hiệu ứng để thu hút sự đầu tư, đồng thời thúc đẩy nhanh quá bình đẳng trong các cuộc thi, chương trình khác. Hi vọng rằng, Olympic Tokyo 2020 sẽ trở thành sự kiện bước ngoặt để mở ra một xã hội cân bằng, hòa hợp giữa nam và nữ trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục