SEA Games 31 chốt số môn thi đấu vào tháng 11

Sau 2 ngày họp trực tuyến do Việt Nam chủ trì, Hội đồng Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã đi đến một số điểm thống nhất quan trọng, trong đó có việc đồng tình với kế hoạch và cách thức chuẩn bị, cũng như tổ chức SEA Games 31 mà nước chủ nhà Việt Nam trình bày.

Khá nhiều ý kiến từ các thành viên của SEAGF cho rằng, Việt Nam nên cân nhắc đưa thêm 20 môn thể thao vào chương trình thi đấu (Jujitsu, bowling, eSport, modern pentathlon, triathlon, teqball, softennis…), thay vì chỉ cho bổ sung tối đa thêm 4 môn vào bộ khung 36 môn đã được nước chủ nhà ấn định chính thức. Nước chủ nhà của kỳ đại hội thứ 31 cũng đề xuất đưa thêm môn võ cổ truyền vào chương trình thi đấu, nhưng đang chờ ý kiến đóng góp của giới chức thể thao trong khu vực.

Theo lãnh đạo Tổng cục TDTT, vì ngay từ đầu Việt Nam đã chủ trương sẽ tổ chức một kỳ SEA Games ấn tượng, mang đậm dấu ấn của Asiad và Olympic, đồng thời muốn trở thành một hình mẫu để thể thao Đông Nam Á học hỏi, cho nên sẽ tập trung tổ chức 36 môn nằm trong hệ thống thi đấu chuẩn mực của Olympic. Việc giảm bớt những môn thể thao mang tính vùng miền, sẽ góp phần giúp thể thao khu vực định hướng lại chiến lược đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, tiến gần hơn đến trình độ của châu lục và thế giới.

Đại diện các nền thể thao trong khu vực cũng thống nhất quan điểm, các môn thể thao mới nên là những môn được ưa chuộng, có phong trào tập luyện và phát triển, được thế hệ trẻ ưa thích. Hơn thế, các môn cũng cần phù hợp với hạ tầng cơ sở của các quốc gia khu vực, tránh việc tạo gánh nặng cho một số nước trong việc đầu tư cơ sở vật chất tốn kém. Bên cạnh đó, SEAGF cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng để danh sách các môn thể thao không bị nối dài thêm theo mỗi kỳ SEA Games.

Tiếp nhận ý kiến của các thành viên SEAGF, nước chủ nhà Việt Nam cho biết sẽ trình lên Hội đồng Thể thao Đông Nam Á trong thời gian sớm nhất, trước khi được xem xét và chốt lại chính thức số môn, cũng như nội dung thi đấu của SEA Games vào tháng 11 năm nay.

Ông Hoàng Vĩnh Giang (Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam) cho biết, nội dung thảo luận được đưa ra trong chương trình họp trực tuyến vừa rồi của SEAGF đã nhận được sự đồng thuận của đại diện các Ủy ban Olympic quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Cho nên, với vai trò của nước chủ nhà SEA Games 31, Việt Nam đã tính đến mọi yếu tố của công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội. Tuy nhiên, những kinh nghiệm mà Philippines chia sẻ sẽ là những bài học quý báu cho không chỉ nước chủ nhà SEA Games 31, mà còn đối với nước chủ nhà của kỳ đại hội tiếp theo là Campuchia (năm 2023), Thái Lan (2035), hay kể cả những kỳ đại hội tiếp theo trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục