Sau 10 năm, Liên đoàn bóng chuyền quản lý cầu thủ ngoại ra sao?

Cầu thủ ngoại đã chính thức xuất hiện và thi đấu bóng chuyền ở giải quốc nội tại Việt Nam. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) có những phương án nào về câu chuyện quản lý ngoại binh, điều rất được mọi người quan tâm.

Polina Rahimova (17) sẽ đến Việt Nam thi đấu cho đội nữ Thái Bình. Ảnh: volleyballwood
Polina Rahimova (17) sẽ đến Việt Nam thi đấu cho đội nữ Thái Bình. Ảnh: volleyballwood

Chế tài nào quản lý cầu thủ ngoại?

Khi chúng tôi đặt câu hỏi “Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam sẽ quản lý cầu thủ ngoại ra sao?”, Tổng thư ký VFV – ông Lê Trí Trường khẳng định cụ thể rằng “Ban tổ chức giải bóng chuyền vô địch quốc gia có những quy định trong điều lệ tổ chức thi đấu cũng như có Quy chế chuyển nhượng cầu thủ. Đồng thời, việc chuyển nhượng và đăng ký thi đấu VĐV cũng có những quy chuẩn ở các quy định bóng chuyền quốc tế khi cầu thủ ngoại tới Việt Nam”.

10 năm trước, năm 2012, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam chính thức không cho phép cầu thủ nước ngoài được thi đấu các giải thuộc hệ thống thi đấu quốc gia vì sự hỗn loạn trong các công tác quản lý cũng như không kiểm soát được việc đội bóng trong nước giành giật cầu thủ lẫn nhau. Từ đó, giá thuê cầu thủ (khi đó) được đẩy lên cao và xảy ra không ít tranh cãi.

“Thời điểm 10 năm trước, thực tế việc thuê VĐV ngoại thường do CLB nhờ một số người có sự quen biết kết nối dẫn tới việc lũng đoạn chuyển nhượng và không kiểm soát được. Bây giờ, sự phát triển của thông tin liên lạc tốt hơn. Các đội bóng trực tiếp tự thuê VĐV ngoại theo những nguồn giới thiệu của mình và không phải qua bất kỳ ai ở Liên đoàn. Do vậy, họ tự chủ cả trong kinh phí lẫn các chọn người và không lệ thuộc vào ai. VFV chỉ là nơi thẩm định VĐV đủ điều kinh thi đấu với điều lệ giải hay không, sau đó cấp thẻ thi đấu. Việc quản lý VĐV ngoại tự do các CLB chịu trách nhiệm khi thuê-mượn và chi trả lót tay, tiền lương”, ông Trường phân tích cụ thể hơn.

Những ngoại binh đầu tiên trở lại giải bóng chuyền quốc nội sau 10 năm (bắt đầu từ Cúp Hoa Lư-Bình Điền 2022 đang diễn ra tại Ninh Bình), người hâm mộ vui khi được xem các tay đập ngoại trổ tài còn giới chuyên môn thì hiểu rằng, có ngoại binh đồng nghĩa với việc phải có chế tài quản lý hiệu quả thì câu chuyện hỗn loạn như 10 năm trước mới không lặp lại.

Cầu thủ ngoại ồ ạt tới

Mới nhất, đội bóng chuyền nữ Thái Bình đã thông báo chính thức thuê cầu thủ Polina Rahimova (Azerbaijan), cao 1m98, đến khoác áo thi đấu tại giải vô địch quốc gia năm nay. Nữ cầu thủ được tiết lộ có thời gian thi đấu ở các đội bóng tại châu Âu nên đủ kinh nghiệm chinh chiến với chuyên môn cao nhất ở giải vô địch quốc gia tại Việt Nam.

Trong khi đó, đã có nguồn tin cho rằng đội nam Biên phòng sẽ chuyển nhượng tay đập Hernanda Zulfi (Indonesia), thành viên từng dự SEA Games 31 và giành HCV bóng chuyền nam, tới Việt Nam thi đấu. Tuy vậy, lãnh đạo đội bóng áo lính khẳng định việc thương thảo còn chưa ngã ngũ và sẽ có thông báo chính thức nếu ký được hợp đồng với cầu thủ ngoại.

Tới lúc này, các đội bóng như Thể Công, Sanest Khánh Hòa, XKST Vĩnh Long, Long An, Kinh Bắc Bắc Ninh, Hóa chất Đức Giang Hà Nội, Hà Tĩnh, Ngân hàng Công Thương, Than Quảng Ninh... đều thuê được cầu thủ ngoại tăng cường cho đội hình. Mỗi đội bóng có sự chuẩn bị riêng về chuyên môn phù hợp nhất qua đó thực hiện mục tiêu thi đấu mình đề ra. Điểm quan trọng, cầu thủ ngoại được thuê với giá đắt đỏ nên không ai muốn sự đầu tư kém hiệu quả nên sẽ tận dụng hết khả năng trên sân của họ.

HỎA MÙ VỀ NGOẠI BINH

Trước những thông tin cầu thủ ngoại xuất hiện, không thiếu trường hợp có đội bóng sẽ tung những chiêu nghi binh trước đối thủ. Đơn cử nam Tràng An Ninh Bình được cho là thuê một phụ công ngoại binh của Thái Lan nhưng rốt cuộc thông tin là không chính xác. Thậm chí, có thông tin cho rằng nam TPHCM chuyển nhượng được chủ công kỳ cựu Wanchai (Thái Lan) trở lại Việt Nam thi đấu nhưng điều này chưa ai xác nhận chính xác hay không.

Tin cùng chuyên mục