Quyền Anh cũng có… Túy quyền

Dù có xuất xứ lâu đời, quyền Anh vẫn được xem môn thể thao hiện đại nếu so sánh với các môn võ cổ truyền mang tính truyền thống của văn hóa phương Đông, của Trung Quốc. Dù vậy, trong quyền Anh hiện đại vẫn tồn tại những “chi phái” Túy quyền, thứ quyền thuật cổ xưa tưởng chừng chỉ tồn tại trong làng võ Trung Hoa, chỉ xuất hiện trong truyện chưởng, kiếm hiệp, trên phim ảnh cổ trang…

Emanuel Augustus (trái) là "tổ sư của túy quyền" trong quyền Anh
Emanuel Augustus (trái) là "tổ sư của túy quyền" trong quyền Anh

Có thể nói, võ sĩ quyền Anh hạng bán trung người Mỹ – Emanuel Augustus – chính là “tổ sư” của “chi phái” Túy quyền ở trong lịch sử của quyền Anh chuyên nghiệp thế giới. Augustus với biệt danh “The Drunken Master” (có thể gọi nôm na là… “Say xỉn đại sư”) từng giành đai vô địch hạng dưới bán trung của IBA hồi năm 2004 sau khi đánh bại Alex Trujillo sau 12 hiệp đấu. Đến tháng 12-2006, ông cũng đã trở thành nhà vô địch châu Mỹ của WBC sau chiến thắng trước tay đấm Russell Stoner Jones. Và đến năm 2008, ông trở thành nhà vô địch phương Đông hạng bán trung của WBO sau khi đánh bại Jakkirt Sunwunnalirt.

Trong sự nghiệp của mình, ngoài những sự kiện đáng nhớ kể trên, Augutus còn có một trận đấu khó quên với “Độc cô cầu bại” Floyd Mayweather hồi năm 2000 – ông để thua tay đấm đồng hương khi góc đài của anh phải quăng khăn trắng đầu hàng ở hiệp đấu thứ 9. Có tin nói, sau trận đấu này, “Độc cô cầu bại” miêu tả Augustus là “một trong những võ sĩ khó nhằn nhất mà anh này từng phải đối mặt” (!!?), nhưng rõ ràng, thông tin này không có cơ sở.

Tất nhiên, những sự kiện kể trên, tất cả đều không thể sánh bằng phong cách túy quyền của Augustus trên sân đấu, đó mới chính là thứ khiến tay đấm sinh năm 1975 nổi tiếng. Bất cứ khi nào bước ra sàn đài, Augustus đều khiến khán giả và đối thủ “lên ruột” khi di chuyển khệnh khạng, “chân nam đá chân xiêu”, dáng điệu liêu xiêu muốn ngã. Đó chính là “bộ pháp” túy quyền thành danh của Augustus. Tất nhiên, nó không mang lại hiệu quả tối thượng như túy quyền thật sự của Trung Hoa, của… Thành Long, của Lý Liên Kiệt – trong sự nghiệp của mình, Augustus chỉ thắng 38 trận (với 20 trận thắng bằng knock-out) và ông cũng… để thua rất nhiều, với 34 trận – nhưng ít ra, khi nói đến Augustus, người ta cũng “Ồ” lên một câu: “Thì ra, quyền Anh cũng có Túy quyền”.

Sau này, có một người định “kế thừa y bát” môn túy quyền của Ausgustus, đó là võ sĩ người Zimbabwe – Charles Manyuchi. Võ sĩ từng vô địch hạng bán trung của WBC (International) hồi năm 2014 đã thi triển “bộ pháp” túy quyền trong trận đấu với “võ sĩ bất khả chiến bại” người Uzbekistan Quadratillo Abduquaxorov trong trận tranh đai WBC (Silver) hạng bán trung hồi tháng 3 năm ngoái. Nhưng rõ ràng, Manyuchi luyện túy quyền chưa đủ “hỏa hầu”, anh này đã bị đấm gục 2 lần ngay trong hiệp 1 khiến trọng tài buộc phải cho dừng trận đấu và quyết định phần thắng knock-out kỹ thuật nghiêng về Quadratillo.

Charles Manyuchi sử tụng "túy quyền bộ pháp" với Quadratillo Abduquaxorov 

Thất bại này đã khiến cho sự nghiệp của Manyuchi – thắng 21/24 trận đấu, trong đó có 12 trận thắng bằng knock-out, đi vào ngõ cụt và rất nhiều người đã luyến tiếc khi Manyuchi “luyện quyền theo đường hướng của… túy quyền”.

Quyền Anh cũng có… Túy quyền ảnh 1 Sự nghiệp của Charles Manyuchi đã đi vào ngõ cụt vì... túy quyền
 Hiện tại người ta đang thắc mắc là, trong tương lai, không biết quyền Anh lại có cơ hội nào diện kiến những “chi phái” túy quyền khác nữa đây, và ai sẽ là những Emanuel Augustus, Charles Manyuchi kế tiếp?

Tin cùng chuyên mục