Phút chạnh lòng của tấm huy chương SEA Games!

SEA Games 31 còn 3 ngày nữa mới chính thức diễn ra lễ khai mạc, nhưng thời điểm này đã có một số môn thể thao bước vào tranh tài, thậm chí giành được những tấm huy chương đầu tiên của kỳ đại hội. Tuy nhiên, hầu hết giới truyền thông cũng như sự chú ý của người hâm mộ đều đổ dồn về môn bóng đá nam, nên khi một số đội tuyển thể thao khác cũng bước vào thi đấu và đạt thành tích có khi được xem là lẽ thường tình.

Nguyễn Tùng Dương, Phương Thế Anh giành HCB đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nguyễn Tùng Dương, Phương Thế Anh giành HCB đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bắt đầu cho chuyến tác nghiệp của mình, người viết đến Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình với tâm trạng háo hức vì sắp được tận mắt chứng kiến các tuyển thủ nhảy cầu tranh tài, mà lúc trước chỉ được xem qua màn hình TV. Từng động tác lộn nhảy trên không đẹp mắt rồi rơi xuống nước của các vận động viên (VĐV) nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng từ phía khán giả.

Trong ngày ra quân 8-5, đội tuyển nhảy cầu Việt Nam đã giành được những tấm huy chương đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam trong niềm vui vỡ òa của những người có mặt tại nơi thi đấu. Đó là HCĐ của Ngô Phương Mai ở nội dung đơn nữ cầu mềm 1m và HCB của Nguyễn Tùng Dương, Phương Thế Anh ở nội dung đôi nam cầu mềm 3m.

Thế nhưng chính lúc này, nhiều luồng ý kiến về tấm HCB đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam lại xuất hiện. Bên cạnh những lời chúc mừng thì nhiều người dễ dàng để lại những bình luận không hay trên mạng xã hội như “môn thể thao dễ giành huy chương nhất SEA Games”, “thi ra sao cũng sẽ được giải thôi”… khiến người trong nghề đọc cũng phải chạnh lòng.

Cớ sự là do đoàn Singapore rút lui vào phút chót thế nên nội dung đôi nam cầu mềm 3m chỉ còn 2 quốc gia tham dự là Việt Nam và Malaysia, từ đó mọi người đinh ninh rằng Việt Nam sẽ chắc chắn giành được huy chương, ít nhất là HCB.

Thực tế diễn ra đúng như vậy, Nguyễn Tùng Dương, Phương Thế Anh không thể vượt qua một đối thủ Malaysia quá mạnh. Chúng ta cũng nên biết rằng Malaysia là cường quốc của môn nhảy cầu khu vực. Quốc gia này có những VĐV đạt đẳng cấp thế giới, thường có thành tích huy chương ở cấp châu lục.

Thế nhưng để có tấm HCB này thì Tùng Dương hay Thế Anh cũng phải mất rất nhiều công sức và thời gian khổ luyện. Như một tình nguyện viên tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình nói với người viết: “Từ mấy hôm em được trực ở đây, ngày nào cũng thấy 2 VĐV này tập luyện cả. Cứ đi lên cầu rồi lại lộn nhảy xuống liên tục như vậy chẳng dễ dàng chút nào”.

Bác Thanh Hải, một khán giả đến xem trực tiếp cũng chia sẻ: “Họ chỉ nhìn thành tích mà xét đến chi đâu. Dù biết trước sẽ có huy chương, nhưng các em vẫn bước ra tranh tài sòng phẳng cùng đối thủ. Để làm được như thế, thời gian tập luyện phải tính bằng năm chứ đâu phải ngày một, ngày hai mà thành được. Tôi thấy chiếc huy chương nào cũng đáng quý và đáng trân trọng như nhau cả”.

Tin cùng chuyên mục