Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn: Việt Nam đảm bảo tiến độ tổ chức SEA Games 31

Từ đầu năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19 nên nhiều sự kiện thể thao phải ngưng trệ. Công tác chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 không nằm ngoài tác động đó. Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về quá trình chuẩn bị cho đại hội sắp tới.

VĐV trẻ được tạo cơ hội tranh tài

* PHÓNG VIÊN: Gút lại sau phiên họp trực tuyến đầu tiên với Hội đồng Thể thao Đông Nam Á hồi tháng 7, Việt Nam sẽ đăng cai 36 môn, đồng thời chờ chọn thêm 4 môn để đưa vào chương trình thi đấu chính thức của SEA Games 31. Vậy 4 môn dự kiến là gì thưa ông?

* Ông TRẦN ĐỨC PHẤN: Tới thời điểm này, chúng tôi đã dự kiến thêm 4 môn để đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 31, song chưa thể công bố được mà phải báo cáo ban tổ chức, ban chỉ đạo để xin ý kiến. 

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn: Việt Nam đảm bảo tiến độ tổ chức SEA Games 31 ảnh 1 Ông Trần Đức Phấn. Ảnh: ĐỖ TRUNG

* Từng có dư luận về việc nhiều quốc gia cố tình gây sức ép với nước chủ nhà để đưa các môn mang tính truyền thống hoặc thế mạnh của mình vào chương trình thi đấu của SEA Games. Chủ nhà Việt Nam có rơi vào tình trạng này hay không thưa ông?

* Việt Nam đã công bố 36 môn và nhận được sự đồng tình của các quốc gia. Họ cho rằng những môn thể thao mà Việt Nam đưa ra là hợp tình, hợp lý, bởi xu hướng phấn đấu của Đông Nam Á là nhóm môn thuộc Olympic và Asiad. Tuy nhiên, một vài quốc gia cũng đề nghị đưa vào những môn thể thao truyền thống. Là nước chủ nhà, Việt Nam sẽ cân nhắc và có thể đồng ý hoặc không đồng ý đưa vào. Việc này, Việt Nam không chịu áp lực gì từ các quốc gia. 

* Tại SEA Games 31, đâu là những môn thế mạnh của đoàn Việt Nam? Chúng ta dự kiến sẽ có khoảng bao nhiêu VĐV tham gia tranh tài và các VĐV trẻ liệu có được trao cơ hội thể hiện hay không?

lThế mạnh của thể thao Việt Nam vẫn tập trung vào nhóm môn Olympic. Nguyên tắc tổ chức của SEA Games có 3 nhóm: nhóm 1 gồm điền kinh và bơi lội, vốn là mục tiêu lớn nhất của chúng ta những năm gần đây; nhóm 2 là các môn Olympic và Asiad, trong đó có những môn mà Việt Nam đang đầu tư để phát triển như bắn súng, cử tạ, thể dục, quyền Anh, taekwondo…; nhóm 3 gồm những môn thể thao của khu vực, từng được tổ chức ở các kỳ SEA Games trước như pencak silat, cầu mây hoặc gần đây có thêm vài môn mới như hockey dưới nước… 

Ở một số kỳ SEA Games trước, có thể môn thuộc hệ thống Olympic bị cắt giảm nhiều nội dung, nhưng Việt Nam không làm như vậy mà sẽ tổ chức ở tất cả các nội dung tại SEA Games 31. Trên cơ sở này, các VĐV trẻ có điều kiện tham gia nhiều hơn. Dự kiến có khoảng 500 nội dung thi đấu và sẽ có khoảng 700-900 VĐV Việt Nam tranh tài.

* Ban tổ chức SEA Games 31 vẫn chưa họp phiên nào để chốt lại nhiều vấn đề về công tác chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, biểu tượng, logo, ca khúc chính thức… cho đại hội. Như vậy liệu có ảnh hưởng đến thời gian tổ chức đại hội?

* Ngày 29-9, chúng tôi sẽ họp phiên đầu tiên. Do dịch Covid-19 nên cũng bị chậm so với kế hoạch cũ vài tháng. Tuy nhiên, nếu quyết tâm chạy đua với thời gian để giải quyết tất cả công việc, đặc biệt là công tác tổ chức và chuẩn bị lực lượng thì tôi cho rằng vẫn sẽ đảm bảo tiến độ tổ chức đại hội.

Khắc phục khó khăn để tập luyện

* Công tác chuẩn bị hệ thống cơ sở vật chất, địa điểm thi đấu tại Hà Nội và 10 thành phố vệ tinh hiện đã đến đâu rồi, thưa ông? Nếu sân Hàng Đẫy và trung tâm thi đấu quần vợt không kịp nâng cấp, sửa chữa và xây mới thì môn bóng đá nam và quần vợt dự kiến được chuyển đến địa điểm nào?

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn: Việt Nam đảm bảo tiến độ tổ chức SEA Games 31 ảnh 2 Thể thao Việt Nam tự tin sẽ giữ vị thế trong tốp đầu tại SEA Games 31. Ảnh: PHƯƠNG MINH

* Hiện nay, các địa phương cùng với Hà Nội đang chuẩn bị cơ sở vật chất rất tích cực để tổ chức SEA Games. Tuy nhiên, vừa qua Sở VH-TT Hà Nội đề nghị không tổ chức 3 môn (một bảng bóng đá nam, quần vợt và golf) mà chuyển cho các địa phương khác. Đây mới là đề nghị từ đơn vị chức năng của Hà Nội, phía Tổng cục TDTT chờ ý kiến từ UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã chủ động chuẩn bị các phương án tổ chức 3 môn nói trên. 

* Việt Nam chủ trương sẽ tổ chức một kỳ đại hội thể thao khu vực chất lượng và để lại ấn tượng đẹp trong mắt bạn bè. Vậy mục tiêu mà đoàn thể thao Việt Nam hướng đến là ngôi dẫn đầu, hay sẽ tập trung khẳng định vị thế của mình ở nhóm môn trọng điểm?

* Có 2 việc phải giải quyết. Thứ nhất, chúng ta phải phấn đấu đưa các môn Olympic nằm ở tốp đầu; thứ hai là thành tích toàn đoàn. Do tính chất, chúng ta tổ chức tất cả nội dung thi đấu nên mục tiêu vẫn phải phấn đấu đạt thứ hạng cao. Nhưng thực tế diễn ra như thế nào còn phụ thuộc vào cuộc tranh tài, vào sự cạnh tranh của các đoàn bạn.

* Dịch Covid-19 khiến hầu hết giải đấu thể thao trong nước lẫn quốc tế phải ngưng trệ nhiều lần kể từ đầu năm 2020 đến nay. Điều đó tác động đến quá trình chuẩn bị lực lượng của thể thao Việt Nam cho SEA Games 31 cũng như cho các sự kiện quốc tế ra sao? 

* Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề tới VĐV Việt Nam và các nước. Nhưng khác với nhiều nước, chúng ta đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh rất tốt. Có một số quốc gia ở Đông Nam Á mà chúng tôi đã khảo sát vẫn chưa tổ chức được giải đấu nào, kể cả tập huấn lực lượng VĐV. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch nên việc tổ chức giao lưu thi đấu quốc tế đã hoàn toàn ngưng trệ, dù các VĐV luôn cần thi đấu cọ xát để thăm dò lực lượng, biết được mình yếu chỗ nào để cải thiện.

Giải pháp cho vấn đề này, chúng tôi đã chỉ đạo cho các đội tuyển tăng cường thi đấu nội bộ. Tuy nhiên có môn tổ chức được nhiều, có môn ít vì liên quan tới cơ sở vật chất và đặc biệt đảm bảo thi đấu nhưng không để chấn thương. Đây là hạn chế chung, các nước cũng vậy, nhưng trong điều kiện của chúng ta vẫn phải tìm ra những giải pháp tốt nhất để giúp cho những VĐV của mình phát triển.

Tin cùng chuyên mục