Ông Nguyễn Trọng Trúc - Cây đại thụ của bóng bàn Việt Nam qua đời: Cả một đời tận tụy…

Trong lịch sử thể thao nước nhà, có một giải đấu rất đặc sắc, thật sự làm nên niềm tự hào cho "thương hiệu Việt" - đó là giải bóng bàn quốc tế Cây Vợt Vàng, ra đời từ giữa thập niên 1980. Không chỉ là giải đấu quốc tế hàng năm đầu tiên của Việt Nam kể từ ngày thống nhất đất nước, đây còn là giải đấu đầu tiên được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức của liên đoàn thể thao cấp thế giới. Nhưng, điều đáng nói nhất về Cây Vợt Vàng có lẽ là tình cảm mà bạn bè quốc tế dành cho giải đấu uy tín này. Giới chức bóng bàn trong khu vực Đông Nam Á đã nhìn về Cây Vợt Vàng với sự ngưỡng mộ, xem đấy là niềm tự hào chung của làng bóng bàn khu vực.

Ông Nguyễn Trọng Trúc là người đồng sáng lập giải bóng bàn Cây Vợt Vàng uy tín. Ảnh: GIANG LÊ
Ông Nguyễn Trọng Trúc là người đồng sáng lập giải bóng bàn Cây Vợt Vàng uy tín. Ảnh: GIANG LÊ

Ông Nguyễn Trọng Trúc chính là một trong những người đồng sáng lập giải đấu này. Một nhà quản lý thể thao đã gắn bó cả đời với môn bóng bàn thì hẳn nhiên là đã trải qua rất nhiều cương vị khác nhau. Nhưng, hễ nói về ông là giới bóng bàn - từ người hâm mộ thuần túy cho đến đồng nghiệp quốc tế, trước tiên sẽ nhớ đến vai trò Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TPHCM, chức danh đã gắn bó với ông suốt hàng chục năm.

Cựu Tổng biên tập Báo Thể Thao TPHCM Trần Văn Mui bình luận: "Nói đến giải Cây Vợt Vàng là không thể không nói về anh Nguyễn Trọng Trúc. Anh đã tận tụy cống hiến cả đời cho giải đấu này, cũng như cho làng thể thao nói chung, kể từ khi chuyển vào TPHCM sống và làm việc. Tôi luôn quý trọng và nhớ đến những ngày cùng anh làm việc trong ban tổ chức giải Cây Vợt Vàng". Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TPHCM Dương Vũ Thông, từng là Phó tổng biên tập báo Thể Thao TPHCM, tỏ ra ngậm ngùi khi nghe tin ông Trúc qua đời: "Tôi luôn khâm phục sự tâm huyết trong công việc của ông Nguyễn Trọng Trúc. Ông ra đi là một mất mát lớn của thể thao TPHCM".

Ông Nguyễn Trọng Trúc (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua). Ảnh: NHẬT ANH
Hãy thử hình dung: đâu là môn thể thao mà các nhà VĐTG, các ứng cử viên vô địch Olympic, hàng loạt ngôi sao từng vào "top 10 thế giới" thường xuyên tranh tài, làm mãn nhãn giới hâm mộ Việt Nam? Vâng, chúng tôi đang nói về những Mã Lâm, Lưu Quốc Chính (Trung Quốc), Oh Sang-Eun, Joo Se-hyuk (Hàn Quốc), Jing Jun-hong (Singapore), Tie Ya Na (Hong Kong), Chuang Chih-yuan (Đài Loan...). Họ đều là những ngôi sao... miễn giới thiệu. Họ họ đều đã là những người bạn của Cây Vợt Vàng.

Năm 1996 (trong thời kỳ Việt Nam còn chưa có Internet) ông Trúc liên hệ và mời đội bóng bàn Sơn Đầu (Trung Quốc) sang TPHCM dự giải Cây Vợt Vàng. Giới chuyên môn và cánh phóng viên tỏ ra kinh ngạc khi thấy đấy là các tay vợt còn quá trẻ (tuổi chỉ khoảng 13 đến 16). HLV Đoạn Tiểu Linh trả lời phỏng vấn (thông qua sự phiên dịch của... ông Trúc): "Đây là những VĐV sẽ vươn lên tầm thế giới trong vài năm nữa. Tôi đưa họ sang dự giải này để rèn giũa kinh nghiệm". Một cách nói... đầy vẻ ngoại giao? Xin thưa: tay vợt Mã Lâm (Ma Lin) trong đội ấy đến tận bây giờ vẫn đang giữ kỷ lục là tay vợt duy nhất trong lịch sử bóng bàn từng vô địch Olympic ở cả 3 nội dung đơn nam, đôi nam, đồng đội nam! Hai kỷ lục khác của Mã Lâm: 4 lần đoạt Cúp thế giới và có 5 chức vô địch đơn quan trọng (4 Cúp thế giới, 1 HCV Olympic).

Đấy chỉ là một trong những ví dụ, về những gì ông Trúc đã làm cho bóng bàn TPHCM. Bây giờ, khi ông vĩnh viễn ra đi, thì điều an ủi còn lại có lẽ là đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn đang là một con người của bóng bàn. Cả một đời bóng bàn. Với riêng tôi, xin được nghiêm cẩn vĩnh việt một người thầy lớn.

Tin cùng chuyên mục