Olympic Tokyo: Không có khán giả cũng… không sao, VĐV vẫn phải tập trung thi đấu

Chính phủ Nhật Bản và BTC Olympic Tokyo 2020 cuối cùng cũng đưa ra một quyết định “gây tranh cãi” nhưng hợp lý ngay vào lúc này: Đóng cửa các SVĐ, không cho khán giả, CĐV vào xem thi đấu để tránh lây lan dịch bệnh Covid-19 tại Tokyo. Đa phần các VĐV, quan chức các đoàn thể thao, cảm thấy thất vọng với quyết định trên. Nhưng sao cũng được, họ vẫn phải thi đấu…

Harrison từng lập KLTG trước sự chứng kiến của hàng chục ngàn người, giờ sẽ không có ai trên khán đài xem cô thi đấu
Harrison từng lập KLTG trước sự chứng kiến của hàng chục ngàn người, giờ sẽ không có ai trên khán đài xem cô thi đấu

Cô Kendra Harrison - Đương kim kỷ lục gia thế giới cự ly chạy 100 mét vượt rào nữ, thừa nhận, việc không có khán giả vào sân xem Olympic Tokyo 2020 sẽ tạo chút khác biệt khi cô đang nỗ lực giành lấy tấm huy chương Thế vận hội đầu tiên trong sự nghiệp của mình: “Ở thời điểm giữa lúc được xếp vào hàng ngũ của những người giỏi nhất thế giới, cho dù bạn có thật sự lo lắng về chuyện ai sẽ đứng, ngồi trên khán đài, thực chất thì, bạn chỉ có thể quan tâm đến việc bước ra ngoài đường chạy và thi đấu hết khả năng của mình”.

Harrison đã lập KLTG ở cự ly chạy 100 mét rào nữ từ năm 2016. Ở giải đấu London Grand Prix diễn ra vào ngày 22-7-2016, cô chạy đạt thành tích 12 giây 20, phá kỷ lục 28 năm tuổi do “tiền bối” Yordanka Donkova nắm giữ (12 giây 21). Tuy vậy, năm 2016 lại là một năm… không thành công. Trước đó, khi tham gia Vòng đấu tuyển chọn VĐV điền kinh Mỹ tham dự Olympic Rio de Janeiro, dù được đánh giá rất cao, Harrison chỉ xếp hạng 6 chung cuộc ở đường chạy chung kết, với thành tích 12 giây 62. Do đó, cô bỏ lỡ cơ hội tham dự Thế vận hội đầu tiên và 5 năm sau, cô gái 28 tuổi quê ở Tennessee mới có được cơ hội khác.

Chủ tịch Liên đoàn cưỡi ngựa quốc tế, ông Ignmar de Vos cho biết với Reuters qua e-mail là ông tôn trọng và thấu hiểu quyết định của BTC giải: “Thật không may là sẽ không có khán giả vào sân xem thi đấu ở kỳ giải Olympic Tokyo 2020. Nhưng điều quan trọng nhất là Thế vận hội vẫn phải diễn ra và rằng các VĐV giỏi nhất thế giới vẫn sẽ tập hợp tại một nơi để thi đấu sau rất nhiều năm chuẩn bị cho thời khắc rất  quan trọng này”.

Bác sĩ tâm lý của Đoàn VĐV New Zealand, ông Kylie Wilson, cho biết các VĐV New Zealand đã chuẩn bị tốt tâm lý cho việc thi đấu trước những khán đài trống vắng khán giả, CĐV ủng hộ: “Các VĐV của chúng tôi đã tập trung chuẩn bị tâm lý cho việc thi đấu mà không có khán giả đến sân theo dõi, ủng hộ. Đây là một phần đặc biệt của tiến trình chuẩn bị cho kỳ Olympic lần này. Các VĐV đã và đang phát triển các phương pháp tập luyện để tự chủ và đốt cháy adrenaline của họ từ phía bên trong và sẽ áp dụng để thi đấu ở Tokyo”.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), ông Thomas Bach cũng lên tiếng cho biết: “Đây thật sự là một quyết đầy định khó khăn và chúng tôi rất tiếc về những hậu quả gây ra cho các VĐV, cả cho các khán giả, CĐV. Nhưng đó là một quyết định cần thiết để bảo đảm an toàn cho Thế vận hội. Tôi hy vọng, tất cả chúng ta đều đồng ý rằng, điều quan trọng nhất là Thế vận hội vẫn đang diễn ra. Đây là một trường hợp rất khác biệt so với quá khứ, nhưng bạn không cần phải cảm thấy đơn độc, hàng tỷ người vẫn xem và ủng hộ các bạn qua truyền hình”.

Tất nhiên, không phải ai cũng cảm thấy “Ổn”. Tay vợt nổi tiếng người Australia - “Gã tiểu tử ngổ ngáo” Nick Kyrgios, đã quyết định rut lui khỏi Olympic Tokyo vào hôm thứ Năm, vì “Suy nghĩ thi đấu trước những khán đài trống vắng không hợp với tôi một chút nào”. Trong quá khứ, Kyrgios từng rất nhiều lần tranh cãi với các khán giả ngồi trên khán đài, tạo ra sự la ó chế giễu phản đối khi thi đấu không hết sức. Anh thật sự cần “tiếng ồn” từ khán giả, dù là tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục