Nữ VĐV chính là “những chiến binh dũng cảm“

Thể thao Việt Nam đang tiến những bước mạnh mẽ về tương lai, xoá dần khoảng cách trình độ so với châu Á và thế giới, nhờ vào nguồn nhân lực khá dồi dào được đào tạo xuyên suốt nhiều thập kỷ đã qua. Trong đó, các nữ VĐV - “những chiến binh dũng cảm” theo ví von của chính các đồng nghiệp nam - đóng vai trò đặc biệt cho hành trình đến vinh quang…

Các cô gái vàng của bóng đá nữ Việt Nam sở hữu bộ sưu tập thành tích đồ sộ ở đấu trường SEA Games.
Các cô gái vàng của bóng đá nữ Việt Nam sở hữu bộ sưu tập thành tích đồ sộ ở đấu trường SEA Games.

Những đóng góp đáng trân trọng

Kỳ SEA Games gần nhất diễn ra hồi năm 2017, các nữ VĐV đã giành được 35/58 tấm HCV giúp  Đoàn Việt Nam duy trì trong tốp đầu những nền thể thao phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Đấy không hề là chuyện lạ, bởi lẽ số lượng HCV đi cùng những kỷ lục của thể thao Việt Nam ở hầu hết các đấu trường từ SEA Games, đến Asiad hay Olympic, giải thế giới mà “phái yếu” mang về từ lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc, và dĩ nhiên rất đáng trân trọng.

Vì vậy, cho đến bây giờ, ngay cả khi thể thao Việt Nam đã tìm được chỗ đứng xứng đáng tại Asiad, gây tiếng vang thực sự ở đỉnh cao Olympic thì hình ảnh “nữ chiến binh” taekwondo Trần  Hiếu Ngân giành tấm HCB tại Olympic Sydney 2000 vẫn chưa hề phai nhạt trong tâm thức của người làm thể thao nước nhà.

Chính Hiếu Ngân đã mở lối cho khát vọng vươn mình của nhiều thế hệ nữ VĐV về sau, là Vũ Bích Hường, Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Thị Thu Cúc, Bùi Thị Nhung (điền kinh), Phan Thị Hà Thanh (thể dục), Nguyễn Trọng Bảo Ngọc, Vũ Kim Anh, Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo), Nguyễn Thị Thiết (cử tạ), Hoàng Ngọc (bắn súng)… để giờ đây, thể thao Việt Nam còn làm được những điều lớn lao khác, là cú vươn mình mạnh mẽ của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên khiến làng bơi lội châu Á và thế giới phải kinh ngạc, là cú nhảy giành tấm HCV điền kinh đầu tiên tại Asiad của Bùi Thị Thu Thảo, là chuyến xuất ngoại lịch sử của cua-rơ Nguyễn Thị Thật đến châu Âu, là màn trình diễn ấn tượng của phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa trong màu áo CLB Bangkok Glass để giành ngôi vô địch CLB nữ bóng chuyền châu Á…

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã tạo nên cơn sốt trong làng bơi lội châu Á.
Bóng đá Việt Nam lâu nay vẫn ôm mộng HCV SEA Games. Thế nhưng suốt nhiều thập niên đã qua, trong lúc các chàng trai của đội tuyển quốc gia (rồi sau này là đội tuyển U.23, đội U.22) biết bao phen muộn phiền vì không thể giành được ngôi vị cao nhất, thì các “cô gái đá bóng” đua nhau lập công, có tới 5 lần bước lên đón nhận tấm HCV trong 8 lần góp mặt ở đấu trường này, nhiều hơn bất cứ đội bóng nào ở vùng Đông Nam Á.

Có những niềm riêng làm sao nói hết…

Ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ TTTTC2 - khẳng định đóng góp của các nữ VĐV cho sự hưng thịnh của thể thao Việt Nam luôn là điều đáng trân trọng và vĩ đại. Họ không chỉ tận tuỵ trên sân tập, hết mình trên sàn đấu, sẵn sàng dấn mình vào những thử thách để gầy dựng danh tiếng và uy thế cho thể thao Việt Nam.

"Nữ hoàng nhảy chống" Phan Thị Hà Thanh đã hy sinh rất nhiều cho thể dục Việt Nam.
Nữ VĐV luôn phải chiến đấu và vượt khó bằng tài năng, niềm đam mê và sự bền bỉ phi thường. Ngoài những thiệt thòi về chấn thương, bệnh tật, thu nhập, lương thưởng, sự khắc nghiệt của thể thao, các cô gái thể thao còn có những nỗi niềm riêng vì đã mất đi những điều tưởng như bình thường, đơn giản nhất song lại là vô giá, không có gì đo đếm được, tức là nhan sắc, tuổi xuân, sức khỏe, thậm chí là cả hạnh phúc riêng tư.

Ai mà cầm lòng nổi trước những trường hợp chấn thương đến mức tàn phế cả đời như của đô vật Lê Thị Huệ, trước đôi bàn tay già nua cùng chấn thương đủ loại của ngôi sao thể dục Phan Thị Hà Thanh, trước cuộc sống bi đát của tượng đài điền kinh Vũ Bích Hương, trước con số đáng giật mình khi quá nửa số các cầu thủ nữ không thể tìm được tổ ấm cho mình, chỉ vì trót trao thân gửi phận cho nghiệp bóng đá.

Nhà vô địch Asiad 18 Bùi Thị Thu Thảo sẵn sàng hoà mình vào vai "shipper" để giao hàng... khoai lang.
Nhưng không chỉ vậy, khi cởi bỏ chiếc áo VĐV, họ sẵn sàng hòa mình vào nhịp sống đời thường, cải thiện thu nhập nhờ cái duyên bán hàng của mình trên các trang mạng xã hội hoặc thông qua những mối quan hệ thân thiết. Người ta dần quen với hình ảnh nhà vô địch Asiad 18 Bùi Thị Thu Thảo kiêm thêm nghề… bán khoai lang trên mạng; nữ VĐV xinh đẹp của đội tuyển điền kinh là Nguyễn Thị Oanh chuyên “phân phối sỉ và lẻ” các loại giày, dép thể thao; cây chuyền 2 Nguyễn Thị Hồng Đào kinh doanh điện thoại và đồ điện tử cao cấp; cựu tuyển thủ quốc gia Lương Thu Phương tiếp thị trang điểm và làm đẹp cho phụ nữ qua các kênh quảng bá cá nhân trên facebook…

Tin cùng chuyên mục