Nữ tuyển thủ cầu lông gặp khó trong quá trình chuẩn bị Olympic

Ảnh hưởng của dịch Covid-10 khiến tay vợt nữ cầu lông số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh “khát” giải quốc tế trong gần 2 năm qua và chỉ có thể đánh nội bộ với đồng đội nhằm chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020.
Thùy Linh sẽ tham dự kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp. Ảnh: GETTY
Thùy Linh sẽ tham dự kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp. Ảnh: GETTY

Vì các giải đấu tính điểm Olympic của cầu lông đã kết thúc vào cuối tháng 5 nên việc Thùy Linh giành được suất góp mặt tại Olympic Tokyo 2020 vốn nằm trong dự tính. Nữ tay vợt gốc Phú Thọ và Vũ Thị Trang cùng đứng thứ 25 trên bảng xếp hạng tranh vé dự Olympic, nhưng Thùy Linh có điểm số cao hơn nên xếp trên “đàn chị”.

Thùy Linh sẽ tham dự nội dung đơn nữ, và cũng lần đầu tiên VĐV sinh năm 1997 này đến với ngày hội thể thao 4 năm mới tổ chức một lần. 

Vừa ra ngõ gặp núi cao

Thùy Linh bù đắp điểm khuyết kinh nghiệm chỉ bằng những trận đấu tập nội bộ với đội tuyển cầu lông Việt Nam tại trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh). Lý do bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến “hotgirl” làng cầu lông trong nước không thể đi tập huấn nước ngoài và chiều ngược lại, chuyên gia đến từ Indonesia cũng không kịp sang Việt Nam để hỗ trợ về mặt chuyên môn cho Linh. 

Nữ tuyển thủ cầu lông gặp khó trong quá trình chuẩn bị Olympic ảnh 1 Nguyễn Tiến Minh (trái) và Thùy Linh là 2 cây vợt đại diện cho cầu lông Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020
Ngoài ra, sự hạn chế về lưu thông giữa các quốc gia khiến tay vợt nữ cầu lông số 1 Việt Nam không tham dự bất kỳ giải đấu quốc tế nào gần 2 năm qua. Thùy Linh chỉ giải “cơn khát” bằng các đấu trường trong nước, và mới nhất, cô vừa lên “ngôi hậu” tại Giải cầu lông các cây vợt xuất sắc toàn quốc tổ chức tại Đồng Nai vào cuối năm 2020. 

Không có cơ hội ra nước ngoài nâng cao tay nghề, ngoại trừ “đàn chị” Vũ Thị Trang thì các đồng nghiệp trong nước khó đánh lại được Thùy Linh, vì thế, cô nàng sinh năm 1997 gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020.

“Tình hình dịch Covid-19 khiến tôi không thể đi thi đấu và tập huấn quốc tế. Ban huấn luyện và đồng đội tại đội tuyển cầu lông Hà Nội đang tập trung hết sức giúp tôi có thể có môi trường tập luyện tốt nhất. Khó khăn lớn nhất là tôi đã không thi đấu quốc tế gần 2 năm. Bản thân mất cảm giác thi đấu quốc tế. Đó là điều thiệt thòi bởi các nước khác vẫn có vài ba giải. Dù biết rất khó, nhưng tôi sẽ cố gắng tập luyện thật nhiều để có thể đạt thành tích tốt nhất tại Olympic”, Thùy Linh chia sẻ.

Hành trình vượt vũ môn

Tất nhiên, đấu trường Olympic quá tầm với của Thùy Linh. Nữ VĐV này xác định giải đấu tổ chức trên xứ hoa Anh Đào là cơ hội “ngàn vàng” để cô cọ xát và tích lũy kinh nghiệm nhằm hướng đến tấm HCV SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà Việt Nam. 

Nhưng nói thế không có nghĩa Linh không có mục tiêu nào cho lần đầu tham dự Olympic. Bản thân cô và HLV Ngô Trung Dũng của đội tuyển cầu lông Việt Nam nhấn mạnh đến nhiệm vụ vượt qua vòng 2. 

Nữ tuyển thủ cầu lông gặp khó trong quá trình chuẩn bị Olympic ảnh 2 Thùy Linh hoàn tất mũi tiêm vaccine thứ 2 để đủ điều kiện tham dự Olympic Tokyo 2020. Ảnh: FBNV
“Tôi đã có 2 năm thi đấu quốc tế và để tích điểm đến Olympic là chặn đường không hề dễ dàng. Tất cả đối thủ sẽ gặp tại Olympic đã quen mặt với tôi khi tham dự các giải đấu khác. Tất nhiên, Olympic là giải đấu lớn khi quy tụ tất cả tay vợt mạnh nhất trên thế giới. Tôi nghĩ mình mới nằm tốp 30-40, và còn thiếu rất nhiều. Với trình độ của bản thân rất khó để tranh chấp huy chương. Nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện mỗi ngày một tốt hơn và thể hiện hết khả năng. Đó là tiền đề để mình hướng đến Sea Games”, Linh tiếp lời.

Thùy Linh đã hoàn tất tiêm 2 mũi vaccine và sẽ cùng Đoàn thể thao Việt Nam tham dự lễ xuất quân vào ngày 13-7, trước khi lên đường sang Tokyo tranh tài tại Olympic 2020 vào ngày 18-7. 

Kết quả bốc thăm chia bảng nội dung đơn nữ Olympic Tokyo 2020 hôm 8-7 đưa Thùy Linh rơi vào bảng P - bảng đấu duy nhất có 4 VĐV, gồm Tai Tzu Ying (Đài Loan - Trung Quốc), Qi Xuefei (Pháp) và Sabrina Jaquet (Thụy Sĩ). Trong đó, Tai Tzu Ying là hạt giống số 2, đồng thời là tay vợt nữ số 1 Thế giới hiện tại. Có tổng cộng 14 bảng đấu (13 bảng có 3 VĐV) thuộc nội dung đơn nữ, và mỗi bảng chỉ lấy 1 VĐV đứng đầu đi tiếp.

Tin cùng chuyên mục