Nỗi niềm bóng ném bãi biển

“Một hai... Một hai, mọi người ráng chạy thêm vòng nữa nào!”, tiếng hô chạy khởi động quen thuộc của các chàng trai đội tuyển bóng ném bãi biển (BNBB) Việt Nam lại vang lên, xua đi cái nắng oi ả trên sân tập. Hơn ai hết, các vận động viên (VĐV) đã quen với việc luyện tập miệt mài trên nền cát nóng với đôi chân trần ngày qua ngày, mang những kỳ vọng  thành tích về cho thể thao nước nhà.
Các tuyển thủ bóng ném bãi biển Việt Nam tập luyện
Các tuyển thủ bóng ném bãi biển Việt Nam tập luyện

Đích ngắm SEA Games 31

 Cái nắng gắt của một ngày tháng 4 không thể làm gián đoạn buổi tập được định sẵn cho các tuyển thủ của đội tuyển BNBB nam Việt Nam. Những pha ném bóng chắc tay, hay những cú xoay người trên không để đưa bóng vào lưới được thực hiện nhiều lần, nhuần nhuyễn, cho thấy tinh thần quyết tâm cho kỳ SEA Games 31 sắp tới. Những giọt mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt, cát dính chặt vào cơ thể, nhưng chẳng ai để ý. Tất cả đều hiểu rằng, cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa vì kỳ đại hội thể thao khu vực diễn ra ngay trên sân nhà của Việt Nam đã rất gần.

“Do môi trường luyện tập và thi đấu trên cát, địa hình không bằng phẳng nên việc dính chấn thương cũng thường xảy ra với VĐV. Còn việc chân bị trầy xước thì chúng tôi gặp hàng ngày. Tôi và các đồng đội phải tập luyện rất nhiều, tập trung cao độ bất kể lúc trời nắng hay mưa, ngày nào cũng lăn lê rồi trượt dài trên cát, lâu ngày cũng quen. VĐV tham gia môn này đòi hỏi thể lực, sức bền phải tốt mới đáp ứng được việc luyện tập và thi đấu trong điều kiện nắng, gió, cát thổi và phải hoạt động liên tục”, VĐV Nguyễn Quang Tú cho hay.

Mỗi ngày với 2 buổi tập, buổi sáng từ 9-11 giờ 30 và buổi tối từ 18-21 giờ, các nam VĐV của đội tuyển BNBB quốc gia sẽ luyện tập những động tác kỹ thuật trên sân cát của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM. Dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên (HLV) Trịnh Huy Cường. Các chàng trai nghiêm túc tập đi tập lại những pha bật nhảy, ném bóng vào lưới, hay phối hợp cùng đồng đội… 

Anh Trịnh Huy Cường (HLV đội tuyển BNBB nam quốc gia) chia sẻ: “Nếu như trước đây, một năm đội tuyển có thể tham dự khoảng 3 giải quốc tế. Tuy nhiên 2 năm qua, đội không được thi đấu do dịch bệnh kéo dài. Điều này dẫn đến việc ban huấn luyện không đánh giá được khả năng của đội đang ở mức nào, cần cải thiện hoặc phát huy điều gì. Hơn nữa, khi các thành viên tập chung với nhau lâu sẽ hình thành thói quen, dễ dàng “bắt bài” kỹ thuật của nhau. Những điều này chỉ có thể khắc phục được khi ra sân thi đấu với các đối thủ. Nhờ vào giải vô địch châu Á hồi cuối tháng 3 đã giúp ban huấn luyện rà soát lực lượng nhằm chuẩn bị cho SEA Games 31 sắp tới”.

Gian nan xây dựng đội ngũ

 Có được một đội tuyển BNBB chuyên nghiệp là cả quá trình tìm kiếm, tuyển chọn, đào tạo mà ít khi các nhà tuyển trạch, HLV nào chia sẻ. Ở Việt Nam, các tỉnh, thành như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Yên Bái, Hà Giang có phong trào BNBB mạnh, có đội tuyển và được đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, việc phát triển bộ môn BNBB còn gặp nhiều khó khăn do tìm kiếm được “ngọc thô” để huấn luyện chẳng phải điều dễ dàng. Nếu tính riêng ở TPHCM, mỗi năm HLV của BNBB chỉ tìm được 2-3 tài năng, nhiều lắm thì 5-7 VĐV phù hợp, có khi chẳng tìm kiếm được ai. Nhiều lúc phải tranh giành với các bộ môn khác mới có được VĐV ưng ý, hoặc đối diện với sự từ chối thẳng thừng từ các vị phụ huynh.

HLV Trịnh Huy Cường cho biết: “Lựa chọn VĐV BNBB dựa vào 3 yếu tố: thể hình, tố chất đồng đều, tư duy thể thao tốt. Đối với nam, chúng tôi sẽ lựa chọn các em ở độ tuổi 12-13 và có chiều cao từ 1m8. Ban huấn luyện sẽ tuyển chọn từ các giải học sinh, hoặc rong ruổi khắp các tỉnh, thành để tìm kiếm “ngọc thô”. Sau quá trình tập luyện, ban huấn luyện mới xác định được vị trí nào sẽ phù hợp cho VĐV”. Cũng theo HLV Huy Cường, đối với một VĐV BNBB, độ tuổi tuyển chọn rơi vào khoảng 12-13 tuổi, đến 15-16 tuổi là độ tuổi bắt đầu thi đấu, từ 20-22 tuổi là giai đoạn ổn định, trong khi độ tuổi thi đấu đỉnh cao của VĐV từ 26-30 tuổi.

Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là việc tuyển chọn lực lượng từ các giải học sinh cũng không phải thế mạnh của bộ môn. HLV Trịnh Huy Cường cho rằng, hiện nay việc phát triển phong trào BNBB trong học đường còn mang tính “thời vụ”, có nghĩa khi gần có giải thì đội tuyển mới được thành lập thi đấu. Sau khi kết thúc giải cũng ít đội nào còn duy trì tập luyện, do đó trình độ VĐV khó mà phát triển nâng cao được. Hơn nữa, khi lịch trình học tập của học sinh kéo dài, sau một ngày học các em sẽ hết năng lượng, khi đó việc tập luyện BNBB chỉ để giải tỏa căng thẳng, rèn luyện sức khỏe, còn xét về nền tảng thể lực để tập chuyên nghiệp nâng cao là không đủ.

Theo danh sách sơ bộ, đội tuyển BNBB nam Việt Nam dự SEA Games 31 gồm có 14 thành viên, trong đó có 10 VĐV đang sẵn sàng cho chuyến hành trình bảo vệ tấm HCV từng đạt được vào 3 năm trước. Dự kiến môn BNBB nam ở kỳ đại hội lần này sẽ có 5 nước tham dự, gồm Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và chủ nhà Việt Nam.

Theo nhận định của ban huấn luyện, nếu nhìn vào thực lực ở kỳ SEA Games 30 trước đó, các đội tuyển của Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia đều có trình độ ngang nhau, do đó các chàng trai của ta phải rất nỗ lực mới có thể vượt qua những đối thủ mạnh để giành tấm HCV SEA Games một lần nữa.

Tin cùng chuyên mục