Nỗi khổ của nền bóng đá

Câu chuyện “đi săn không súng” chẳng có gì mới mẻ. Lần gần nhất mà bóng đá Việt Nam dư dả tiền đạo đó là thời của HLV Calisto.
Cậu bé vàng một thời Phạm Văn Quyến. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Cậu bé vàng một thời Phạm Văn Quyến. Ảnh: Nguyễn Tuấn

1. Trong 5 cầu thủ có thể sẽ đá vai tiền đạo được HLV Nguyễn Hữu Thắng tập trung cho đội tuyển U22, tổng cộng chỉ mới ghi được… 9 bàn thắng sau 16 vòng đấu tại V-League mùa này. Nhiều bàn nhất là Nguyễn Công Phượng, cầu thủ vốn dĩ không phải là tiền đạo vùng cấm.

Câu chuyện “đi săn không súng” chẳng có gì mới mẻ. Lần gần nhất mà bóng đá Việt Nam dư dả tiền đạo đó là thời của HLV Calisto. Thời điểm đó, cầu thủ 2 lần đứng đầu danh sách ghi bàn của nội binh tại V-League là Nguyễn Quang Hải thậm chí còn đá dự bị cho Công Vinh - Việt Thắng. Chưa kể, tiền đạo Anh Đức của đội bóng số 1 V-League lúc bấy giờ ở B.Bình Dương còn không có cửa lên tuyển.

Nghịch lý ở chỗ: Giai đoạn Calisto cầm quân là lúc bùng phát ngoại binh với cơ chế “đăng ký 5 đá 3” với hàng loạt tiền đạo ngoại tung hoành chưa tính nhập tịch tràn lan. Ngược lại, trong vòng 5 năm trở lại đây, dù đã siết ngoại binh nhằm lấy đất cho tiền đạo trong nước nhưng gần như bóng đá Việt Nam không sản sinh ra chân sút nào được nữa. Thế mới có chuyện tiền vệ Nguyễn Văn Quyết hoặc tiền đạo nhỏ con Hoàng Đình Tùng liên tục đứng đầu danh sách ghi bàn nhiều nhất của nội binh tại V-League.

2. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có thể việc thiếu tiền đạo lại xuất phát từ một lý do… không giống ai, đó là yếu tố tâm lý.

Từ những năm 2008 trở về trước, Việt Nam không thiếu tiền đạo giỏi và họ đều là những mẫu tiền đạo đích thực, tức là chỉ chực chờ trong vòng cấm và “ăn” bàn. Từ Trần Minh Chiến, Huỳnh Quốc Cường, “lão tướng” Nguyễn Văn Dũng, Lê Huỳnh Đức đến Phan Thanh Bình, Công Vinh, Việt Thắng, Quang Hải… Ngoại trừ Phạm Văn Quyến thì ít nhiều cái nhìn về các tiền đạo nói trên đều bị dư luận gán cho những cụm từ như “cần cù bù thông minh”, “chân gỗ”, “gà son”… Đại ý chê bai nhiều hơn. Kể cả một chân sút đi vào lịch sử như Lê Công Vinh, đến nay vẫn còn ít nhiều ý kiến cho rằng “không có tài năng”.

Những đánh giá phi chuyên môn kiểu này càng “nở rộ” hơn sau khi xuất hiện lứa U19 của HAGL. Người ta quan tâm đến chuyện đá đẹp, lừa bóng… hơn là chuyện làm mọi giá để ghi bàn và chiến thắng. Kiểu đi bóng của Công Phượng càng được ca ngợi thì đương nhiên, việc “có bóng là sút ngay” như của Lê Văn Thắng hay Hoàng Đình Tùng trở thành “phản bóng đá”… Thậm chí, có một phong trào cho rằng, việc đào tạo cầu thủ có kỹ thuật đi bóng qua 2-3 người như của HAGL là tối ưu, các vị trí liên quan đến phòng ngự hay ghi bàn vùng cấm vì thế bị thất sủng.

3. Đó là nỗi khổ của bóng đá Việt Nam. Khi mà việc “đá đẹp rồi thua… cũng được” nâng thành quan điểm… chiến lược thì sẽ khó có chuyện tôn vinh kiểu tiền đạo vùng cấm, tiền vệ phá lối chơi hay trung vệ giỏi kèm người. Đương nhiên, bóng đá Việt Nam hiện đang có nhiều tiền vệ tấn công tốt, lối chơi thì tiki-taka… nhưng sự thật thì tại V-League hiện nay, cầu thủ ghi bàn nhiều nhất giải (10 bàn) chính là “chân gỗ” Anh Đức, năm nay đã 32 tuổi, vốn là dự bị của Công Vinh hơn chục năm trước. Xếp sau Anh Đức, cầu thủ Việt Nam kế tiếp là… hậu vệ Vũ Văn Thanh.

Tin cùng chuyên mục