Niềm vui đến chậm

Việc người hâm mộ được xem các trận bóng đá và các môn thể thao khác trực tiếp chính thức là điều rất vui, nhưng cũng chính vì việc cân đong đo đếm quyền lợi mà niềm vui này đến chậm
Người hâm mộ xem truyền hình trực tiếp bóng đá ngoài trời. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Người hâm mộ xem truyền hình trực tiếp bóng đá ngoài trời. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trận đấu loại trực tiếp đầu tiên ở Asiad của tuyển Olympic Việt Nam vào chiều tối nay sẽ được truyền hình trực tiếp đến khán giả cả nước một cách chính thức. Bên cạnh đó, tất cả các môn thể thao khác, nhất là những môn có vận động viên Việt Nam tham gia cũng được trực tiếp phát sóng. Đó là những diễn biến sau khi VOV đã có trong tay gói bản quyền Asiad vốn trước đó VTV đã từ chối mua vì giá quá cao. Lần đầu tiên, bản quyền trực tiếp truyền hình chỉ có được khi sự kiện đã diễn ra, trong đó môn bóng đá đã kết thúc vòng bảng.

Những diễn biến này không khác mấy những gì chúng ta đã có dịp trao đổi trước đây. Đó là việc bản quyền Asiad sớm muộn gì cũng được đối tác bán và xu hướng hiện nay là có sự đóng góp từ nguồn tài chính xã hội hóa.

Một thực tế là giá bản quyền các sự kiện thể thao hiện nay luôn tăng chóng mặt, đặc biệt là những sự kiện có sự tham gia của các vận động viên nổi tiếng, được người hâm mộ quan tâm và quan trọng nhất vẫn là bóng đá.

Cùng một sự kiện đó, mùa sau giá có thể bị nâng lên gấp đôi, gấp ba mùa trước tùy theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao trực tiếp là loại hàng hóa mà không bán đi cũng sẽ tự mất, nên dù cho có kêu giá trên trời thì phút chót các đơn vị nắm bản quyền vẫn phải tìm mọi cách để bán đi và thu tiền.

Khía cạnh giữ giá là vẫn có, nhưng nó không quan trọng bằng việc thu tiền bằng mọi cách. Chính vì vậy, việc thương thảo hợp đồng, thời điểm thương thảo là rất quan trọng. Nó có thể giúp cho giá trị hợp đồng có thể giảm đi rất nhiều thông qua kinh nghiệm, mối quan hệ cũng như áp lực thời gian.

Khi VTV từ chối mua bản quyền Asiad vì đối tác đưa ra cái giá quá cao, quá bất hợp lý, thì chắc chắn đối tác giữ bản quyền này cũng “mất ăn mất ngủ” vì sẽ bị mất một số tiền lớn. Chính vì vậy, một đơn vị khác đứng ra thương thảo mua khi sự kiện đã diễn ra vài ngày, không còn quá khó và việc hạ giá gói bản quyền xuống thấp là điều dễ hiểu. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, việc kêu gọi xã hội hóa là cần thiết để tránh cho các nhà đài rơi vào cảnh thua lỗ khi hầu hết đều phải tự chủ tài chính.

Có thể nói, có được bản quyền Asiad là tin vui đối với người hâm mộ thể thao trong nước. Nhưng thử hỏi, nếu Olympic Việt Nam của HLV Park Hang-seo không vượt qua vòng bảng một cách thuyết phục và bước vào vòng đá loại trực tiếp với diễn biến khá thuận lợi thì liệu gói bản quyền Asiad này có được mua? Khả năng không là lớn hơn, bởi ai cũng thừa nhận bóng đá nam mang lại sức hút lớn nhất, đồng thời cũng mang lại nguồn thu lớn nhất cho nhà đài. Không có Olympic thi đấu, chắc chắn lượng khán giả xem trực tiếp các môn thể thao khác là rất ít.

Dưới góc độ các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa, họ cũng không mặn mà bỏ tiền ra khi không có môn bóng đá, mặc dù phát biểu ra thì nói là vì tinh thần thể thao nói chung. Vậy nên, việc người hâm mộ được xem các trận bóng đá và các môn thể thao khác trực tiếp chính thức là điều rất vui, nhưng cũng chính vì việc cân đong đo đếm quyền lợi mà niềm vui này đến chậm.

Tin cùng chuyên mục