Những thuật ngữ futsal bạn phải nắm rõ trước khi chơi

Theo dõi trực tiếp trận đấu futsal, người hâm mộ không khó để bắt gặp HLV thường hô vang Fixo, Ala, Pivot... Đây vốn là thuật ngữ trong futsal chỉ các vị trí thi đấu của cầu thủ, nhưng được đọc theo tiếng Bồ Đào Nha.
Đội tuyển futsal Việt Nam tại World Cup 2016. Ảnh: ANH TRẦN
Đội tuyển futsal Việt Nam tại World Cup 2016. Ảnh: ANH TRẦN

Goleiro - Thuật ngữ chỉ vị trí thủ môn

Giống sân 11 người, thủ môn futsal được phép sử dụng tất cả bộ phận trên cơ thể để thi đấu, nhưng chỉ trong vòng 6m (tức vòng cấm địa). Thủ môn không được dùng tay khi đã ra khỏi vòng cấm địa. Có 2 điểm khác biệt. Thủ môn futsal chỉ được cầm bóng không quá 5 giây, nếu vượt quá thời hạn quy định bị tính một lỗi, và đối thủ được hưởng đá phạt.  

Trong futsal, nếu đội bóng phạm đủ 5 lỗi tổng hợp trong một hiệp sẽ bị thổi phạt 10m (không hàng rào) trong lần phạm lỗi tiếp theo. Khác biệt còn lại, thủ môn phải ném bóng khi bóng đi hết đường biên ngang (tức bóng chết) thay vì đá lên như sân 11 người.

Những thuật ngữ futsal bạn phải nắm rõ trước khi chơi ảnh 1 Hồ Văn Ý là thủ môn số 1 của đội tuyển futsal Việt Nam hiện tại. Ảnh: CHẤT NGUYỄN
Thủ môn futsal có trang phục thi đấu “không đụng hàng” để phân biệt với các cầu thủ khác và trọng tài trên sân. Phần lớn các thủ môn không sử dụng găng tay nhằm tăng độ ma sát trong việc bắt, hoặc đẩy bóng (futsal thường dùng bóng số 4, không nảy). Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thủ môn phải đeo găng tay để tránh lực sút quá mạnh của đối thủ, hoặc đã có tiểu sử chấn thương về vùng tay.  

Ngoài ra, các thủ môn được khuyến khích mang quần dài, hai đầu gối và khuỷu tay mang băng bảo hộ để hạn chế thấp nhất chấn thương khi phải lăn xả trong môi trường thi đấu mặt sân trên nền sàn.

Fixo - Vị trí trung vệ

Fixo là cầu thủ thi đấu thấp nhất (không tính thủ môn) án ngữ trước khung thành của đội nhà. Tương tự vị trí trung vệ sân 11 người, Fixo có nhiệm vụ chặn đứng các pha dứt điểm, hoặc làm phá sản các đường phối hợp tấn công của đối thủ. 

Những thuật ngữ futsal bạn phải nắm rõ trước khi chơi ảnh 2 Đội trưởng Trần Văn Vũ thi đấu ở vị trí Fixo
Vì thế, vị trí này đòi hỏi những cầu thủ cao to, áp sát nhanh và có sức bật tốt. Hoặc nếu chọn cầu thủ sở hữu thể trạng khiêm tốn thì yêu cầu thật sự nhanh nhẹn, tinh quái. Tất nhiên, với thể hình nào chăng nữa thì yêu cầu chung của một Fixo phải có khả năng “đọc bài”, phán đoán tình huống để giải tỏa áp lực cho cầu môn đội nhà.

Đứng thấp nhất trong đội hình nên Fixo có khả năng bao quát được cả sân, và từ đó đưa ra những điều chỉnh hợp lý cho toàn đội. Tất nhiên, Fixo vẫn được khuyến khích tham gia tấn công để tạo bất ngờ cho đối thủ, nhưng phải đảm bảo hệ số an toàn cho nếu đối thủ tổ chức phản công.  

Fixo là linh hồn của một tổ đấu, và tìm được cầu thủ tốt để thi đấu ở vị trí này rất khó so với các vị trí còn lại. Tại đội tuyển futsal Việt Nam, vị trí Fixo thường được đảm nhiệm bởi bộ đôi dạn dày kinh nghiệm Trần Văn Vũ, Phạm Đức Hòa, hoặc Khổng Đình Hùng với thân hình... không khác gì cầu thủ nước ngoài. 

Ala - Vị trí tiền vệ cánh

Đây chính là vị trí cực kỳ quan trọng để HLV xây dựng chiến thuật cho tổ đấu có mặt trên sân. Đặc thù chạy cánh, và lên công về thủ liên tục nên cầu thủ chơi Ala phải sở hữu tốc độ, độ bền, sức rướn và đặc biệt kỹ thuật cá nhân tốt. Khả năng tạo nên sự đột biến của Ala sẽ quyết định đến chiến thắng cho đội nhà. 

Những thuật ngữ futsal bạn phải nắm rõ trước khi chơi ảnh 3 Lê Quốc Nam là một trong những Ala xuất sắc trong lịch sử futsal Việt Nam

Ala được khuyến khích cầm bóng qua người để dứt điểm, hoặc phối hợp với đồng đội để thực hiện các đường tấn công biên, trung lộ. Bên cạnh tấn công, Ala được đòi hỏi cao về khả năng hỗ trợ phòng ngự, đặc biệt phải lùi thật nhanh về phần sân nhà để chống phản công. Vì thế, những trận cầu có tốc độ cao và nhanh, một sai số đến từ Ala có thể khiến đội nhà nhận bàn thua.

Lấy ví dụ về đội tuyển futsal Việt Nam từng đoạt tấm vé tham dự World Cup 2016 nhờ vào “hơi thở” của bộ đôi Ala được đào tạo bài bản Lê Quốc Nam, Vũ Xuân Du, bên cạnh Phùng Trọng Luân (cầu thủ có thể chơi vị trí Pivot).

Pivot - Vị trí tiền đạo cắm

Pivot là cầu thủ thi đấu cao nhất trong bất kỳ sơ đồ chiến thuật nào. Phạm vị hoạt động chủ yếu của Pivot trước vòng cấm địa và thường xuyên xoay lưng về phía khung thành đối thủ, hoặc nếu đóng vai trò phòng ngự sẽ phải cố gắng tranh cướp để có thể chặn đứng các đường lên bóng của đối thủ ngay từ giữa sân.

Tất nhiên, công việc chính của Pivot là ghi bàn, nhưng cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế và đối thủ để HLV trao nhiệm vụ cụ thể. Pivot phải có khả năng cài người, tì đè, làm “chim mồi” thu hút Fixo đối phương để tạo khoảng trống cho Ala hoặc Fixo băng lên dứt điểm. Vì thế, Pivot được đòi hỏi cao về khả năng giữ bóng, chạy chỗ không bóng, và trên hết khả năng độc lập tác chiến cao nếu Ala bị “bắt bài”.

Những thuật ngữ futsal bạn phải nắm rõ trước khi chơi ảnh 4 Thủ môn Hồ Văn Ý, Pivot Nguyễn Minh Trí và Ala/Pivot Phùng Trọng Luân tại Lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2020

Điều thú vị là Nguyễn Minh Trí - Pivot số 1 của đội tuyển futsal Việt Nam hiện tại có xuất phát điểm được đào tạo từ đội bóng sân 11 người Đồng Tâm Long An (nay Long An FC). 

* Lưu ý: Tất nhiên, cách gọi các vị trí trong futsal chỉ để phân chia nhiệm vụ cụ thể của cầu thủ. Bởi diễn biến trên sân sẽ không như lý thuyết. Trong phạm vi sân thi đấu nhỏ như futsal, các cầu thủ phải lên công về thủ đồng đều, liên tục để hỗ trợ và bọc lót tốt cho nhau. Giống như sân 11, một cầu thủ có thể chơi được hơn 1 vị trí. Ví dụ, tuyển thủ Đức Hòa khi cần sự đột biến sẽ chơi Ala. Nhưng trong một thế trận ưu tiên sự chắc chắn, kinh nghiệm của ngôi sao Thái Sơn Nam sẽ hoàn thành công việc của một Fixo.

Tin cùng chuyên mục