Những thắc mắc… dễ chịu

Ngay khi vừa có kết quả tốp 5 Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2019, đã có những thắc mắc xuất hiện. Sự áp đảo của 4 cầu thủ đến từ CLB Hà Nội là một ví dụ. Cũng chính vì “quân số” của nhà vô địch V-League quá đông nên một ứng cử viên khác không thể góp mặt trong tốp 5, như trường hợp của tiền đạo Tiến Linh.

Công bằng mà nói, mọi cuộc bầu chọn đều có tranh cãi. Số lượng ứng cử viên càng nhiều, tranh cãi càng lớn. Đấy là bản chất có tính duy nhất và cũng là sức hút đặc biệt của môn bóng đá. Không như nhiều lĩnh vực khác, để đánh giá năng lực một cầu thủ, người ta phải nhìn ở nhiều lăng kính khác nhau: thành tích tại CLB, phong độ, tầm ảnh hưởng ở đội tuyển quốc gia, danh tiếng trên truyền thông và sức tác động đến xã hội. Vì có nhiều cách để đánh giá, nên hầu như mọi cuộc bầu chọn trong bóng đá đều sẽ gây tranh cãi, kể cả với những người trung dung, không phải là fan của cầu thủ hay đội bóng nào. 

Những thắc mắc về Tiến Linh là điển hình của sự phức tạp này. Ví dụ như Tiến Linh có công lớn tại SEA Games, tại vòng loại World Cup 2022 nhưng lại không bao gồm Asian Cup 2019, một giải đấu mà đội tuyển Việt Nam có thành tích lịch sử. Tiến Linh nổi bật trong màu áo các đội tuyển, nhưng nếu xét ở cấp CLB thì không thể bằng Văn Quyết. Đành rằng đội trưởng của CLB Hà Nội không đóng góp gì cho tuyển quốc gia trong năm 2019, nhưng ở khía cạnh chuyên môn, màn trình diễn tại V-League và AFC Cup cũng xứng đáng đặt Văn Quyết vào một vị trí đáng ghi nhận. 

Nói một cách công bằng, không chỉ có Tiến Linh, rất nhiều cầu thủ xứng đáng có mặt trong tốp 5. Những fan của Công Phượng hoàn toàn có quyền tin rằng, thần tượng của họ đâu có kém bất kỳ ai. Vì phải qua châu Âu nên Công Phượng phải ngồi dự bị, đâu có ai biết chắc rằng nếu ở lại trong nước và thi đấu thường xuyên thì Công Phượng mới là ứng cử viên Quả bóng vàng. Nói gì thì nói, chính Công Phượng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở châu Âu theo một hợp đồng chuyên nghiệp. Xét về tài năng lẫn sự đóng góp cho bóng đá Việt Nam, Công Phượng có giá trị riêng của mình.

Ngẫm cho cùng, một giải thưởng mà có nhiều tranh cãi ngay khi chưa biết kết quả cuối cùng, chắc chắn không phải là ý muốn của nhà tổ chức, cụ thể ở đây là Báo SGGP. Nhưng vì đây là một cuộc bầu chọn nên chắc chắn đó là một cuộc đua sòng phẳng mà các lá phiếu với giá trị chuyên môn được bảo đảm bởi thành phần bầu chọn đa dạng, mới là yếu tố quyết định. Trong lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam, những năm nào mà bản danh sách cuối cùng tạo ra tranh cãi, thắc mắc thì chắc chắn cuộc đua đến Quả bóng vàng năm đó sẽ căng thẳng đến phút cuối cùng. 

Việc ban tổ chức công bố tốp 5 ngay trước thềm Tết Nguyên đán cũng là một chi tiết thú vị. Chúng ta chuẩn bị khép lại năm Kỷ Hợi sau một chút buồn vì đội U23 không vượt qua vòng bảng, nhưng ngay những ngày tết sắp đến, không khí xuân càng rộn rã hơn với câu chuyện quanh tốp 5 Quả bóng vàng.

Tin cùng chuyên mục