Những nữ cầu thủ ở Húc Động

Những nữ cầu thủ ở Húc Động

Phái đẹp chơi bóng đá là chuyện bình thường với người hâm mộ môn thể thao vua ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, những phụ nữ Sán Chỉ mặc váy áo dân tộc truyền thống, hồ hởi, quyết liệt với nhau trong từng pha bóng, không chỉ gây ấn tượng, hứng thú còn bất ngờ bởi câu chuyện xung quanh những trận túc cầu độc đáo của bà con nơi đây.
Từ trung tâm huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, sau nửa giờ chạy xe, vượt qua những đoạn đường quanh co đèo dốc, chúng tôi tới xã Húc Động. Lúc này gần cuối giờ chiều, nắng hanh vàng dịu dần. Sân vận động trung tâm trước nhà văn hóa xã Húc Động đã rất đông bà con tới xem trận bóng đá giữa đội của thôn Nà Ếch với thôn Mò Túc. Gọi là sân vận động trung tâm nhưng thực ra là bãi đất trống, sỏi đá lổn nhổn nhưng cũng có cầu môn, vòng tròn trung tâm, vạch vôi kẻ quanh sân... đủ để cho một trận cầu sôi nổi. 
Điều khiến chúng tôi bất ngờ bởi các cầu thủ ra sân không phải là cánh mày râu quần đùi, áo số, mà là những phụ nữ Sán Chỉ trong trang phục dân tộc, váy chàm đen dài qua đầu gối, áo hai mảnh kín đáo được khâu chéo sang bên phải, trên đầu vấn khăn gọn gàng và tất nhiên không thể thiếu đôi giày ba ta vải. Thú vị nhất là việc các nữ cầu thủ đều mặc váy áo truyền thống của dân tộc mình, không có số áo nên khi 2 đội gặp nhau chỉ có thể phân biệt bởi áo màu xanh nhạt, hay xanh đậm của mỗi đội.  
Những nữ cầu thủ ở Húc Động ảnh 2
Những nữ cầu thủ ở Húc Động ảnh 3
Sau thủ tục chào hỏi trước trận, trận cầu bắt đầu. Các nữ cầu thủ (mỗi đội 7 người) nhanh nhẹn, khéo léo, quyết liệt tranh nhau trái bóng. Cũng rê dắt, chuyền bổng, đánh đầu, phạt góc, đá biên, phạm lỗi... không ngại va chạm chẳng kém gì bóng đá nam. Giữa núi non hùng vĩ, trong ánh nắng chiều tà, từng pha lên bóng, tranh bóng của các cô gái trong trang phục dân tộc trên sân đấu bụi mù, khiến trận đấu thêm huyền ảo, hấp dẫn người xem. Bên ngoài sân, bà con địa phương và cả du khách phương xa may mắn được xem trận đấu độc đáo này vô cùng phấn khích, cổ vũ nhiệt tình. Đặc biệt, trong số khán giả hồ hởi cổ vũ có những “ông bầu” bất đắc dĩ, họ là những ông chồng của các nữ cầu thủ Sán Chỉ. Nhiều ông xem vợ đá bóng, đứng ra sát đường biên, vừa địu con, vừa liên tục hò hét, chỉ đạo bà xã chuyền bóng, sút bóng, lên công về thủ, chẳng khác gì huấn luyện viên chuyên nghiệp. 
Những nữ cầu thủ ở Húc Động ảnh 4
20 phút trôi qua nhanh chóng, hết hiệp 1, các cầu thủ ra nghỉ. Những chị em trẻ chưa chồng con uống nước, trò chuyện rôm rả, lại tranh thủ selfie với bạn bè. Những đồng đội lớn tuổi vội ra ngoài bế con giúp chồng, thậm chí vạch áo cho con bú ngay trên sân. Trò chuyện với chúng tôi, cô gái trẻ La Thị Minh (26 tuổi, ở thôn Mò Túc), chia sẻ: “Em chơi bóng đá từ lúc chưa lấy chồng. Bây giờ có chồng với 2 con, công việc bận rộn nhưng chồng em vẫn ủng hộ em tuần đá 1-2 trận với chị em cho vui khỏe". Còn cô bé La Thị Thảo (16 tuổi, học sinh Trường PTTH Bình Liêu), cầu thủ trẻ nhất thôn Nà Ếch, e thẹn: “Ở nhà, bố mẹ và anh trai cháu, ai cũng chơi bóng đá nên cháu tham gia cả đội bóng của thôn và trường học. Cháu muốn ở trường có nhiều bạn hơn nữa chơi đá bóng để rèn luyện nâng cao sức khỏe và tránh xa được các tệ nạn nguy hiểm”.
Những nữ cầu thủ ở Húc Động ảnh 5
Những nữ cầu thủ ở Húc Động ảnh 6
Những nữ cầu thủ ở Húc Động ảnh 7
Qua tìm hiểu, phong trào bóng đá của phụ nữ Sán Chỉ ở Húc Động mới phát triển khoảng 5 năm trở đây. Dù không phải là trò chơi truyền thống nhưng bóng đá nữ ở đây lại được người dân và chính quyền địa phương nhiệt tình ủng hộ, phát triển mạnh mẽ và trở thành “đặc sản” du lịch của địa phương. Trước đây chỉ vào dịp đầu Xuân năm mới, hay các lễ hội như Hội hát Soóng Cọ, Hội mùa vàng... phụ nữ Sán Chỉ mới xỏ giày ra sân thi đấu cho ngày hội thêm sôi nổi, hào hứng. Còn bây giờ tuần nào ở Húc Động cũng có vài trận đấu bóng đá nữ giữa các thôn, bản với nhau để rèn luyện sức khỏe, tăng cường tinh thần đoàn kết tình làng nghĩa xóm. 
Những nữ cầu thủ ở Húc Động ảnh 8
Nói về niềm đam mê bóng đá, chị Mẩy Thị Kim (29 tuổi, đội trưởng thôn Mò Túc), chia sẻ cả đội có 9 chị em, trẻ nhất mới 20 tuổi, lớn nhất 35. Mỗi người một nghề, công việc khác nhau, hoàn cảnh gia đình cũng chẳng giống nhau, nhưng mỗi khi bóng lăn tất cả đều phấn khích vui vẻ, quên hết vất vả thường ngày. Là một trong những lãnh đạo xã tâm huyết với phong trào bóng đá nữ ở địa phương, ông Nguyễn Văn Được, Phó Bí thư Thường trực xã Húc Động, cho biết xã có hơn 2.600 dân với trên 80% là người Sán Chỉ. Vì thế tất cả 9 thôn bản trong xã là Khe Vằn, Sú Cáu, Lục Ngù, Pò Đán, Thánh Thìn, Mò Túc, Nà Ếch, Khe Mó và Thông Châu đều có đội bóng đá nữ. 
Những nữ cầu thủ ở Húc Động ảnh 9
“Phụ nữ Sán Chỉ cả đời gắn bó với núi rừng, trèo đèo lội suối, lao động chân tay, làm ruộng bậc thang nhưng họ rất yêu thích thể thao. Bây giờ ở Húc Động, phụ nữ chơi bóng đá không chỉ vì đam mê, nâng cao sức khỏe, tinh thần, còn là hoạt động phát triển du lịch và nét đẹp văn hóa đặc sắc của các dân tộc địa phương...” - ông Được nói và cho biết thêm vào tháng 11 vừa qua ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, trong chuyến công tác tại Bình Liêu đã bày tỏ sự thích thú trước vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của địa phương, còn rất phấn khích khi được xem trận thi đấu bóng đá nữ Húc Động. Theo ông Michael Croft đây không chỉ là các trận bóng đá đơn thuần mà thể hiện rõ vấn đề bình đẳng giới, sự kết hợp khéo léo của văn hóa trang phục dân tộc truyền thống với thể thao, nên có nét độc đáo và hấp dẫn rất lớn.
Những nữ cầu thủ ở Húc Động ảnh 10
Quả thực hiếm có ở nơi đâu, những ông chồng vui vẻ địu con ngắm nhìn vợ xỏ giày đá bóng mỗi buổi chiều tà. Trong sắc xanh của bộ váy áo truyền thống dân tộc, những phụ nữ Sán Chỉ mướt mải mồ hôi, khuôn mặt ửng hồng rạng ngời, bắp chân tròn lẳn nhanh nhẹn, khéo léo với mỗi đường bóng, là những hình ảnh ấn tượng hơn bất cứ trận bóng đá nữ nào trên thế giới này.

Tin cùng chuyên mục