Những “anh nuôi” chính hiệu

Sau gần 3 tuần lễ sát cánh cùng thể thao Việt Nam ở SEA Games 30, dù không có điều kiện ăn uống như ở nhà, nhưng nhiều phóng viên có biểu hiện… tăng ký, trong đó có tôi. Đó là nhờ vào tài “chăm sóc, nấu nướng” của nhiều đồng nghiệp, nhìn vẻ ngoài cứng nhắc và vụng về, nhưng trái lại, họ rất khéo tay và nấu ăn ngon không thua bất kỳ ai.

Tác nghiệp ở SEA Games, oải nhất là khoản tối mù mới về đến khách sạn. Thời điểm đó, nhiều người chỉ muốn leo lên giường và ngủ vùi, ăn gì tạm bợ cho xong. Và đây là lựa chọn của nhiều phóng viên Việt Nam: “Mì gói muôn năm!”. Một số, những ai còn sức, thì háo hức tính chuyện lang thang dạo quanh phố phường Philippines, để tìm hiểu ẩm thực địa phương, ăn vài món mới lạ, uống chai bia lạnh.

Nhưng quanh đi quẩn lại, cũng chỉ là những hương vị như vậy, ăn uống riết rồi cũng thành nhàm chán. Thế nhưng, không phải phóng viên Việt Nam nào cũng cam chịu kiếp “ăn bờ, ngủ bụi”, hoặc tạm bợ cho xong. Với chuyến hành trình xa như thế này, tôi nhận ra, nhiều đồng nghiệp siêng năng và có tài bếp núc, vốn không thua bất kỳ một người phụ nữ nấu ăn giỏi nào ở Việt Nam.

Đồng nghiệp Dũng Phương của tôi là một người như vậy. Nhiều khi, tôi luôn tự hỏi, một con người hiền lành như thế, có vẻ ngoài vụng về như thế, làm cách nào mà hàng ngày “cõng” chiếc vali gần 20kg, toàn những trang thiết bị tác nghiệp, chạy từ đầu này SVĐ Rizal sang đến bên kia World Trade Center, để kịp chụp hình, truyền tải thông tin về độc giả của Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Những “anh nuôi” chính hiệu ảnh 1 Phóng viên Việt Nam vừa lo công việc, vừa tự tổ chức bữa ăn. Ảnh: NHẬT ANH

Thế mà, mỗi khi về đến khách sạn vẫn còn đủ sức, đủ tỉnh táo và khéo léo để nấu nồi cơm trắng nóng hổi, tô canh ấm lòng “chiến sĩ” và rim miếng sườn đặc sệt “thương hiệu Dũng Phương” - thịt rất mềm, ăn rất ngon, rất mặn mà…

Có “anh nuôi” Dũng Phương ở đây, căn phòng 201 ở Khách sạn Leon de Oro (nghĩa tiếng Việt là Sư tử vàng) hoàn toàn có thể cạnh tranh cùng những căn phòng của nhóm đồng nghiệp khác ở báo Pháp Luật TPHCM, VnExpress… về sự đa dạng ẩm thực trong bữa ăn thường ngày.

Cứ như một thói quen bất di bất dịch, Dũng Phương thức dậy từ rất sớm, chăm chỉ đi chợ, mua thực phẩm, thịt thà, rau củ quả, rồi quay về khách sạn, nấu thật nhanh bữa sáng ngon, để đồng nghiệp trong phòng (báo Thanh Niên) vừa uể oải thức dậy, tắm rửa, đánh răng, là có thể ngồi vào bàn, ăn thật no, thật ngon, rồi lại xách túi, vác ba lô di chuyển ra sân…

Nếu như Dũng Phương chuyên về “rim sườn”, ở phòng 205, phóng viên kỳ cựu Minh Quang lại rất giỏi các món xào, với thực đơn hàng ngày rất đa dạng, rau củ quả luôn xuất hiện trên bàn ăn, mang lại cảm giác thư thái và nhẹ nhàng, đỡ ngán.

Hồi đầu tuần, tôi được phóng viên Lê Tuấn (báo Công an TPHCM) và Hữu Dũng (báo Người Lao Động) mời sang thăm “tệ xá”. Đó là một căn hộ xinh xắn, nằm trên tầng cao nhất của Khu cư xá W.H. Taft Residences, cách Trường Đại học Nữ sinh Philippines khoảng 50m (trên đường Taft, quận Malate), được đặt trên mạng. Do đây là cư xá dành cho sinh viên, việc ra vào rất nghiêm ngặt, không khác gì ở các điểm thi đấu SEA Games. Để vào được bên trong, tôi phải khai báo nhân thân, trình hộ chiếu, rồi ký tên và cam kết… không được ngủ lại.

Bù lại, căn hộ khá hiện đại, đầy đủ trang bị bếp núc nấu nướng. Anh Lê Tuấn kỹ tính, còn  mua nồi cơm điện để nấu được nhiều hơn. Bữa tiệc tôi được mời ngập tràn hương vị ẩm thực Việt, từ trứng chiên, thịt heo xào, đến “rau tập tàng” luộc chấm nước mắm mặn “xách tay” từ Việt Nam sang. Một bữa ăn mặn nồng tình cảm phóng viên Việt Nam và là liệu pháp tinh thần cần thiết sau nhiều ngày xa xứ!

Có thể nói, ngoài những chiến tích, những tấm huy chương, những hình ảnh tuyệt vời từ các cổ động viên Việt Nam, những món ăn Việt, những bữa cơm đậm chất quê hương, do các đồng nghiệp đích thân vào bếp nấu nướng, là thứ giúp chúng tôi giữ lửa “chinh chiến” trong suốt những ngày tháng đầu tắt mặt tối vì SEA Games 2019 ở Philippines…

Tin cùng chuyên mục